Sản xuất, xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đang dần hồi phục
Sản xuất hồi phục
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 2 ước đạt 332,2 nghìn tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 237,2 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 51,6 nghìn tấn, tăng 0,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước ước đạt 665,9 nghìn tấn, tăng 2,8% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó: Cá đạt 479,6 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 100,4 nghìn tấn, tăng 0,7%; thủy sản khác đạt 85,9 nghìn tấn, tăng 2,9%.
Với một số mặt hàng thủy sản chủ lực cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Như với cá tra, sản lượng cá tra tháng 2/2023 ước đạt 113,6 nghìn tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước; lũy kế hai tháng đầu năm 2023 sản lượng cá tra đạt 223,8 nghìn tấn, tăng 3,1%.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 2/2023 ước đạt 261,2 nghìn tấn, tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: Vũ Mưa
Nuôi tôm đang trong giai đoạn chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều nơi người nuôi tôm tập trung cải tạo, tu sửa ao hồ và chú trọng đến chất lượng con giống nên hạn chế dịch bệnh. Sản lượng TTCT trong tháng ước đạt 31,4 nghìn tấn, giảm 0,3% so cùng kỳ năm 2022; sản lượng tôm sú đạt 15,7 nghìn tấn, tăng 1,3%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng TTCT đạt 60,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so; sản lượng tôm sú đạt 31,3 nghìn tấn, tăng 0,3%.
Về lĩnh vực khai thác, sản lượng thủy sản khai thác tháng 2/2023 ước đạt 261,2 nghìn tấn, tăng 3% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 214,1 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 11,2 nghìn tấn, tăng 0,9%; thủy sản khác đạt 35,9 nghìn tấn, tăng 2,6%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 247,7 nghìn tấn, tăng 3,1%, trong đó: Cá đạt 205 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 10,4 nghìn tấn, tăng 1%. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 519,6 nghìn tấn, giảm 0,5%, trong đó: Cá đạt 406 nghìn tấn, giảm 0,4%; tôm đạt 21,1 nghìn tấn, giảm 0,9%; thủy sản khác đạt 92,5 nghìn tấn, giảm 0,9%.
Xuất khẩu bật tăng
Nếu như trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang tháng 1/2023, hoạt động xuất khẩu thủy sản khá trầm lắng, thì theo VASEP, sang tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản bất ngờ tăng rất mạnh. Cụ thể, trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 31% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá tra giảm 50%; tôm giảm 46%; cá ngừ giảm 32%; riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%… Đến tháng 2/2023, thông tin từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2/2023, xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam đạt 286,94 triệu USD, tăng 42% so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15/2/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 742 triệu USD, giảm 30% so cùng kỳ năm 2022. Như vậy, sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 2 vẫn chưa đủ đề bù đắp sự sụt giảm quá mạnh trong tháng 1/2023.
Đến tháng 2, xuất khẩu thủy sản Việt Nam bất ngờ tăng trưởng mạnh, nằm ngoài dự đoán ban đầu. Ảnh: LHV
VASEP ước tính, xuất khẩu thủy sản trong cả tháng 2 năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 29% so tháng 2/2022. Việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự phục hồi nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà còn tại các thị trường khác trên thế giới, khi du lịch và giao thương được thông suốt.
Ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt cho biết, những tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của Công ty vẫn tăng 20%. Từ đầu năm thị trường Trung Quốc mở cửa đã tạo điều kiện cho ngành hàng cá tra Việt Nam phát triển đồng bộ và cân đối. Giá cá tra nguyên liệu đầu năm là 28.000 đồng/kg, giờ đã lên đến 30.000 – 31.000 đồng/kg. Doanh nghiệp đang tập trung triển khai vùng nguyên liệu đầy đủ để đáp ứng yêu cầu thị trường, cùng với đó là mở rộng thêm thị trường các nước trên thế giới để đảm bảo đầu ra cho cá tra.
Bên cạnh đó, điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn. VASEP cho rằng lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải, vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.
Hiện mặt hàng cá tra vẫn đang phải đối mặt với những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu về xuất khẩu và nâng cao giá trị ngành thủy sản, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, cần tiếp tục xúc tiến thương mại tại các thị trường trên thế giới, nhất là những thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 50 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Những năm trước, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất khẩu tôm đông lạnh và chủ yếu là xuất thô, thì năm 2023 này nhiều doanh nghiệp đã tập trung hơn tới việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn.
Bà Hồ Thị Kiểng, Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Thiên Phú cho biết, thời gian qua doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu thay đổi mẫu mã, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời mạnh dạn đầu tư, đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất mới ứng dụng công nghệ hiện đại ở tất cả các khâu. Hiện nay, Công ty đang thiết kế nhà máy 40 tấn nguyên liệu tương đương 20 tấn thành phẩm/ngày. Cùng với đó, đẩy mạnh chuỗi liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước bối cảnh năm 2023, VASEP khuyến cáo doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.
Ngọc Anh
Bình luận gần đây