FSIS đánh giá ban đầu về kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra Việt Nam
Nội dung: Thanh tra việc giám sát của cơ quan thẩm quyền; an toàn thực phẩm và các quy định khác về bảo vệ môi trường; giám sát vệ sinh; thẩm tra hệ thống HACCP; chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất, phòng kiểm nghiệm và chương trình phân tích vi sinh vật. Theo đó, 3 Chi cục thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, 6 cơ sở nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu vào Mỹ tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng và 10 cơ sở chế biến, xuất khẩu được FSIS lựa chọn để thanh tra.
7 tháng, xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm tới 59% so cùng kỳ, xuống mức 159 triệu USD. Ảnh: LHV
Đoàn thanh tra của FSIS không ghi nhận sai lỗi đối với 3 hợp phần về: giám sát của cơ quan thẩm quyền; cơ quan thẩm quyền và an toàn thực phẩm và các quy định khác về bảo vệ người tiêu dùng; chương trình phân tích vi sinh vật. Đối với 3 hợp phần về giám sát vệ sinh; thẩm tra hệ thống HACCP; chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất, phòng kiểm nghiệm; Đoàn thanh tra ghi nhận một số sai lỗi như: giám sát chất lượng nước nuôi chưa đúng quy định; thực hiện quy phạm vệ sinh chưa đúng quy định do doanh nghiệp đã đề ra, xác định điểm kiểm soát tới hạn (CCP) chưa chính xác; ghi nhãn hóa chất kiểm nghiệm. Các sai lỗi này đều là sai lỗi đơn lẻ, không nghiêm trọng của hệ thống kiểm soát đã được khắc phục ngay khi Đoàn thanh tra kết thúc làm việc tại Việt Nam.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, báo cáo chính thức kết quả thanh tra sẽ có sau 30 ngày. Đoàn thanh tra cho biết trong quá trình xem xét và sẽ xử lý thông tin, FSIS có thể ghi nhận thêm các lỗi hoặc khuyến cáo.
Thông tin tại cuộc họp đánh giá kết quả sau chuyến thanh tra của FSIS, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, các cơ sở/vùng nuôi của doanh nghiệp đảm bảo tốt các tiêu chí, điều kiện theo Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cùng với đó, 100% các cơ sở/vùng nuôi đã được cấp mã số nhận diện ao nuôi.
Tuy nhiên, toàn vùng ĐBSCL vẫn còn khoảng 30% các hộ nuôi nhỏ lẻ, vẫn còn tồn tại một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo. Do đó, cơ quan chuyên môn Cục Thủy sản đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở khẩn trương khắc phục, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.
Thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp cung ứng giống cá tra để phát triển công tác chọn giống qua nhiều thế hệ, cung cấp cho thị trường. Cục đang đặt hàng 75.000 cá tra bố mẹ để cung cấp cho các địa phương nhằm tạo cơ sở lai tạo con giống chất lượng, thực hiện truy xuất nguồn gốc.
>> Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng công báo về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị rà soát hành chính đối với một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp. Một trong 3 sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được rà soát thuế là cá tra – basa (Frozen Fish Fillets): Mã vụ việc: A-552-801 (CBPG), thời kỳ rà soát: 1/8/2022 – 31/7/2023.
Hải Lý
Bình luận gần đây