Châu Âu: Quy định về sản phẩm composite làm khó nhập khẩu thủy sản

Bà Sylvie Coulon, đại diện cấp cao của châu Âu về chính sách đối ngoại, thuộc Văn phòng y tế châu Âu cho biết, quy định bổ sung 2017/625 của Nghị viện châu Âu liên quan đến quy tắc kiểm soát chính thức cụ thể đối với một số loại động vật và hàng hóa đã gây rất nhiều rắc rối cho các nhà xuất khẩu sản phẩm composite tổng hợp từ nhiều loại động vật.

Quy định này có hiệu lực từ tháng 4/2023. Theo đó, các nhà xuất khẩu phải nộp kế hoạch giám sát dư lượng của từng thành phần thay vì một thành phần chính như trước đây. Điều này khiến nhiều hàng hóa làm từ tôm, trứng và sữa của châu Á không thể vào được thị trường châu Âu do một số nhà xuất khẩu chưa đáp ứng đủ chứng từ cần thiết. 

Hội thảo về các quy định đối với sản phẩm thủy sản tại Diễn đàn tôm toàn cầu, Utrecht, Hà Lan. Ảnh: Louis Harkell

Lúc đầu, các nước xuất khẩu chỉ cần nộp một chứng thư (kế hoạch giám sát dư lượng) đối với tôm tẩm bột. Nhưng hiện nay, họ phải cung cấp thêm chứng thư cho các sản phẩm sữa và trứng, Coulon thông tin trong một cuộc thảo luận về quy định nhập khẩu. Rất nhiều doanh nghiệp gửi thư “kêu cứu”, nhưng chưa được giải quyết bởi quy định trên là tiêu chuẩn mà châu Âu đặt ra.  

Bà Coulon cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đang cố gắng tìm giải pháp thay thế nhưng cũng thừa nhận quy định này nghiêm ngặt hơn luật an toàn thực phẩm trước đây của châu Âu. Bà cảnh báo các nhà nhập khẩu sản phẩm composite còn tiếp tục gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. 

Ấn Độ, nguồn cung tôm hàng đầu cho châu Âu cũng đang đối mặt nhiều khó khăn trước quy định nói trên. Hiện, EU đã tăng tần suất lấy mẫu lên 50% đối với các lô hàng tôm từ Ấn Độ. Theo bà Coulon, châu Âu đã ghi nhận những bước tiến của Ấn Độ gần đây về giám sát dư lượng và phát triển mạng lưới phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, trong đợt thanh tra vào tháng 9 năm ngoái, EU đã phát hiện một số trại tôm giống không tuân thủ quy định và mẫu tôm xuất khẩu dương tính với kháng sinh cấm. Trước thực trạng này, EC đã yêu cầu Ấn Độ siết chặt quy định toàn chuỗi cung ứng nuôi tôm. 

“Đó là lý do tại sao chúng tôi đề xuất chính quyền Ấn Độ bổ sung một số quy định về cách phân phối thức ăn chăn nuôi đến trại giống. Đây chính là điểm hạn chế mà Ấn Độ phải tìm cơ chế quản lý tốt hơn”, bà Coullon giải thích. EU và Ấn Độ sẽ tiến hành đàm phán hiệp định thương mại tự do và nỗ lực hoàn thành trước bầu cử ở Ấn Độ vào tháng 4/2024. Tranh chấp thương mại ngành tôm sẽ là một phần quan trọng của phiên đàm phán này. Coulon thông tin thêm, châu Âu sẽ thực hiện đợt kiểm tra an toàn vệ sinh tiếp theo vào tháng 12 tới đây tại Bangladesh với sản phẩm trọng tâm gồm thủy sản và tôm. 

Tuấn Minh

(Theo Undercurrentnews)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *