Cảng biển Trần Đề: Đầu mối xuất, nhập khẩu ĐBSCL
Quy hoạch cảng biển cả vùng
Tại hội thảo, ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) giới thiệu quy hoạch Cảng biển Trần Đề là cảng đầu mối vùng ĐBSCLtại khu vực ngoài khơi cửa Trần Đề, thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Địa điểm hấp dẫn trực tiếp với 8 tỉnh Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Cửa sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mekong còn thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia.
Phương án quy hoạch Cảng biển Trần Đề. Ảnh chụp bản đồ quy hoạch của CMB
Tổng diện tích quy hoạch 5.400 ha. Gồm diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400 ha và diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ 4.000 ha. Những chỉ tiêu chính của quy hoạch: Đê chắn sóng 8,3 km, cầu cảng với 15 cầu/5,5 km, cầu dẫn vượt biển 18 km; phục vụ tàu Cont 100.000 DWT hoặc lớn hơn (tương lai đến 200.000 DWT), tàu hàng rời đến 160.000 DWT. Công suất thiết kế 80÷100 triệu tấn/năm.
Dự kiến khởi động đầu tư năm 2028 và năm này hoàn thành 2 bến cảng cho tàu hàng và tàu Cont, 2 bến phục vụ hàng than cho các nhà máy nhiệt điện trong vùng (bến cứng hoặc phao). Năm 2030, hoàn thành 4 bến cảng cho tàu hàng và tàu Cont, 2 bến phục vụ hàng than (bến cứng hoặc phao).
Cầu vượt biển dài 18 km đến năm 2030 có quy mô 4 làn xe, rộng 16 m; sau năm 2030 có quy mô 8 làn xe, rộng 32 m. Tuyến đường sau cảng (kết nối từ QL 91C ra đến cầu vượt biển) dài 6,1 km đến năm 2030 có quy mô 6 làn xe, rộng 32,5 m;sau năm 2030 có quy mô 12 làn xe, rộng 65 m.
Năng lực thông qua bến cảng ngoài khơi đến năm 2030 đạt khoảng 30 – 35 triệu tấn/năm, định hướng phát triển với công suất có thể đạt 80 đến 100 triệu tấn/năm. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 1 khoảng 51.000 tỷ đồng, chủ yếu huy động các nguồn lực xã hội.
Triển vọng cho ngành thủy sản
Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá Cảng biển Trần Đề có vị trí tốt nhất ở ĐBSCL. Bởi nằm giữa thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) và TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau); cách TP Cần Thơ khoảng 60 km; thuận lợi kết nối với tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu. “Xây dựng được Cảng biển Trần Đề thì cả khu vực xung quanh trong khoảng cách 50 – 70 km sẽ nhanh chóng hình thành được các khu, cụm công nghiệp. Trước mắt trong 10 – 20 năm, hàng hóa qua Cảng biển Trần Đề sẽ là nông, thủy sản, sau đó phát triển hàng hóa công nghiệp”, ông Thể nhận định.
Với vai trò doanh nghiệp thủy sản chủ lực trong vùng, Chủ tịch HĐTQ Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết, trong suốt 27 năm qua phải trung chuyển hàng hóa là tôm đông lạnh xuất khẩu qua các cảng ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khiến chi phí vận chuyển (hai chiều) tăng thêm 700 USD cho mỗi container 40 feet. “Điều đáng lo ngại hơn là luôn tiềm ẩn nguy cơ hàng hóa không kịp tới cảng vì đường bộ thường xuyên xảy ra kẹt xe”, ông Lực nói.
Đại diện một số doanh nghiệp phân tích thêm, trung chuyển hàng hóa từ các địa phương ĐBSCL đến Cảng biển Trần Đề sẽ giúp chi phí vận chuyển giảm khoảng 40% so với đưa lên các cảng ở miền Đông Nam bộ để xuất khẩu. Tính ra tiết kiệm được hàng trăm triệu USD mỗi năm cho người dân và doanh nghiệp.
Sáu Nghệ
>> Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam
Cảng cửa ngõ Quốc tế:
– Khu bến Lạch Huyện: Chức năng: cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế
– Khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc: Chức năng: cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế
– Khu bến Nam Nghi Sơn tiềm năng trở thành cảng cửa ngõ khu vực Bắc Trung bộ
– Khu bến Liên Chiểu tiềm năng cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực Duyên hải miền Trung
– Khu bến Trần Đề tiềm năng cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL
Cảng trung chuyển quốc tế:
– Khu bến Bắc Vân Phong tiềm năng phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế
– Khu bến Cát Lái – Phú Hữu trung chuyển hàng cho Vương quốc Campuchia
– Khu bến Cái Mép – Chức năng: cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế Bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)
Hàng hóa thông qua năm 2022: 724,08 triệu tấn (Cont: 24,7 triệu TEU) Mục tiêu về hàng hóa thông qua năm 2025 là 927,4 đến 1.004,8 triệu tấn (Cont: 31,6 đến 33,6 triệu TEU); năm 2030 là 1.322 đến 1.588,9 triệu tấn (Cont: 46,2 đến 54,2 triệu TEU).
Bình luận gần đây