Xuất khẩu tôm: Phát triển theo quỹ đạo thị trường
Tăng trưởng chưa khả quan
Dù là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản nước ta từ tháng 1 đến tháng 8/2023, nhưng xuất khẩu tôm vẫn giảm 28% so cùng kỳ năm trước, với kim ngạch 2,2 tỷ USD.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhận định: Tuy thị trường đã có dấu hiệu hồi phục và xu thế hồi phục được dự báo tiếp tục giữ vững đến cuối năm 2023. Dù cố gắng lắm, nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam cả năm 2023, nhiều khả năng vẫn sẽ thấp hơn năm 2022 khoảng 15%.
Vẫn lời ông Lực: Do mặt bằng giá tôm thế giới đang gần chạm đáy và cùng với đó là cao điểm mùa vụ tôm đã qua, nguồn cung từ các nước đều giảm, trong khi từ nay đến cuối năm là giai đoạn có nhiều lễ hội tại các nước, chắc chắn sức cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng. Có thể nói đây là cơ hội, là động lực, để các nhà nhập khẩu tăng mua tích trữ. Riêng đối với ngành tôm Việt Nam, chúng ta sẽ có lợi thế lớn, khi mặt hàng chế biến sâu được tiêu thụ mạnh hơn trong mùa lễ hội.
Thông thường, mùa lễ hội là thời điểm người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm tôm tinh chế, thay vì tiêu thụ các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến cấp thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, hiện nay có năng lực cạnh tranh vượt trội về sản phẩm tôm tinh chế.
Các doanh nghiệp chế biến tôm tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung bộ và khu vực ĐBSCL. Mặt hàng tôm Việt Nam đã được chế biến đa dạng về mẫu mã, hình thức đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao (tôm tẩm bột, tôm Nobashi, Sushi, Tempura…), qua đó, đáp ứng được cả thị trường khó tính nhất là Nhật Bản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ta, đã tận dụng một số phụ phẩm tôm, để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao cấp như: Chitin, chitosan, glucosamine, astaxanthin…
Đáng chú ý, theo ông Hồ Quốc Lực, mặc dù sản phẩm tôm tồn kho của một số quốc gia, đang là đối thủ chính của tôm Việt Nam như Ecuador và Ấn Độ còn ở mức khá cao, nhưng chủ yếu là hàng sơ chế. Do đó hàng
chế biến sâu (vốn là lợi thế của ngành tôm Việt Nam), có điều kiện thuận lợi để bứt phá trong quý IV/2023.
Tận dụng lợi thế, gia tăng cạnh tranh
Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU, châu Âu chia sẻ: Châu Âu là thị trường cao cấp, mỗi năm nhập khẩu 1 – 1,2 triệu tấn tôm. Tôm Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu gồm TTCT và tôm sú. Tại châu Âu, TTCT Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, nhờ có công nghệ chế biến sâu, TTCT Việt Nam đã thâm nhập vào phân khúc thị trường tôm cao cấp ở châu Âu.
Ngoài lợi thế nói trên, tôm Việt Nam còn cóưuthếhơncácđốithủlàđãkýHiệpđịnh thương mại tự do với châu Âu. Trong thời gian tới, thị trường tôm ở châu Âu sẽ phục hồi khi hàng tồn kho giảm, các nhà nhập khẩu sẽ tăng mua cho các lễ hội cuối năm. Điều này sẽ giúp cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang châu Âu phục hồi trở lại.
Dữ liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), lần đầu tiên sau 13 tháng, sản lượng nhập khẩu tôm của Mỹ đã hồi phục trở lại trong tháng 8/2023. Việc này cho thấy tín hiệu tích cực về tiêu thụ tôm tại thị trường Mỹ trong những tháng cuối năm. VASEP dự báo lượng đơn đặt hàng thủy sản từ Mỹ giai đoạn cuối năm (tháng 11 và 12) là khá khả quan cho Việt Nam.
Ông Jesper Clausen, Giám đốc toàn cầu về dinh dưỡng và hỗ trợ thủy sản của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cho rằng: Thay vì để thị trường “dư thừa” nguồn cung khi xuất khẩu giảm, thì các doanh nghiệp có thể tập trung phát triển, chế biến sản phẩm tươi. Ðiều quan trọng bây giờ là các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam cần tập trung vào tôm chất lượng cao với chi phí thấp. Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm cơ hội thị trường trong nước, để hỗ trợ ngành tôm Việt vượt qua khó khăn.
Nhằm đưa xuất khẩu tôm trở lại quỹ đạo tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phải phối hợp chặt chẽ với Tham tán thương mại nông sản của Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, cập nhật, thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu. Ta cần tận dụng tối đa các cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường, mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công thương cần đẩy mạnh đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại, để đa dạng hóa thị trường sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các cam kết, khai thác các cơ hội từ các Hiệp định; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tôm.
>> VASEP cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp đã có hợp đồng với giá trị lớn được ký kết, chủ yếu đến từ các nhà nhập khẩu quan trọng của Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, ngành tôm Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển, khi có thêm trợ lực từ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, đang được các Ngân hàng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp thu mua nguyên liệu. Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, VASEP dự báo, xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD.
Văn Anh
Bình luận gần đây