EC đề xuất “gạch bỏ” cá thịt trắng Nga ra khỏi ATQ. Có phải bước đi khôn ngoan?

Hiện nay một lượng lớn cá thịt trắng của Nga được xuất sang EU, nhưng ít ai để ý số cá xuất sang Trung Quốc hoặc các “vựa” chế biến phile còn lớn hơn rất nhiều. Hiệp hội các nhà nhập khẩu và thương mại thủy sản châu Âu (gọi tắt là AIPCE – CEP) đang hối thúc Ủy ban châu Âu (EC) phải làm rõ phi lê cá chế biến tại Trung Quốc hoặc các quốc gia khác, sử dụng cá thịt trắng của Nga (bỏ đầu, moi ruột – cá H&G) làm nguyên liệu, có bị “gạch bỏ” khỏi Hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ) hay không. 

Cá minh thái phi lê. Ảnh: Undercurrentnews

Theo hệ thống ATQ hiện nay, 340.000 tấn cá minh thái H&G và surimi được hưởng thuế nhập khẩu vào EU 0%. Ngoài ra 110.000 tấn cá tuyết cod H&G và 50.000 tấn cá tuyết phi lê cũng được hưởng mức thuế 0%, nếu quá hạn ngạch, mức thuế này lần lượt là 12% và 7,5%. Trong quy định của ATQ có đề cập 3.500 tấn cá tuyết chấm đen H&G, nhưng không nói rõ chế biến dưới dạng phi lê. 

Nga là nguồn cung thủy sản và cá lớn thứ 6 của EU, khoảng 481.000 tấn/năm. EU nhập khẩu 100% cá minh thái và 94% cá tuyết. Như vậy, nếu dự thảo ATQ (có hiệu lực đầu năm 2024) với đề xuất gạch bỏ cá thịt trắng Nga ra khỏi hạn ngạch được thực thi, có thể ngành công nghiệp chế biến EU sẽ chịu một đòn khá mạnh, trong bối cảnh lợi nhuận vốn đã rất eo hẹp. Giá nguyên liệu tăng cao, thị trường chịu áp lực, giá trị gia tăng có khả năng bị mất. Ngành chế biến cá minh thái Alaska nhập khẩu sẽ bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, EU hơn ai hết phải chịu tổn thất nặng nề.

Ngoài ra, cá minh thái Alaska và cá tuyết là sản phẩm đơn lẻ quan trọng nhất của ngành thủy sản EU. Theo tính toán, 95% cá minh thái phi lê vận chuyển từ Trung Quốc sang EU được chế biến từ nguyên liệu của Nga, và 70% tổng khối lượng phi lê cá minh thái đưa vào EU có nguồn gốc từ Nga. Với cá tuyết là 50%. Như vậy, việc gạch bỏ cá thịt trắng Nga ra khỏi ATQ, tưởng chừng như một đòn trừng phạt thương mại, nhưng sẽ vô tình gây hậu quả lên chính EU.

>> Ngày 10/10/2023, AIPCE-CEP đã gửi thư tới hội đồng EC, trong đó đề nghị cần có 1 năm để “chuyển đổi chuỗi giá trị và điều chỉnh thị trường sau khi chịu tác động và hậu quả nghiêm trọng của quy định ATQ” (trong trường hợp đề xuất về gạch bỏ cá thịt trắng Nga được chính thức thông qua). AIPCE-CEP cũng yêu cầu ngành cần kịp thời tư vấn và giới thiệu nguyên liệu cá thay thế để đưa vào chuỗi cung ứng.

An Vy

(Theo Undercurrentnews)

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *