Trung Quốc: Thủy sản ngoại ngược gió tìm cơ hội
Thủy sản nội địa lên ngôi
Sau khi cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm sản phẩm thay thế tốt hơn từ nguồn cung nội địa. Một số khu tự trị ở Tân Cương, thuộc Tây Bắc Trung Quốc từng tốn kém chi phí mua và vận chuyển cá hồi, tôm hùm Australia, tôm Nam Mỹ từ các tỉnh ven biển thì đã tự nuôi thủy sản.
Thủy sản nước ngọt sẽ phổ biến hơn ở Trung Quốc sau những lo ngại hải sản nhiễm phóng xạ từ nguồn nước thải của nhà máy hạt nhân Fukushima đổ ra biển Thái Bình Dương. Hải quan Trung Quốc cho biết, nước này đã đình chỉ nhập khẩu toàn bộ hải sản Nhật Bản từ ngày 24/8/2023. Theo các chuyên gia trong ngành, giảm phụ thuộc vào hải sản ngoại sẽ góp phần nâng cao nhu cầu đối với thủy sản nước ngọt và thúc đẩy sự phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) nội địa.
Người tiêu dùng Trung Quốc luôn chuộng tôm tươi sống và họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm này. Ảnh: Shutterstock
Nhiều trại nuôi cua ở Kuqa, Tân Cương đã thu hoạch và tung sản phẩm ra thị trường trước nửa tháng. Liu Shifang, chủ một trại nuôi cua thâm niên hơn 10 năm ở Kuqa cho biết, cua nuôi tại địa phương chất lượng cao vì phát triển hoàn toàn tự nhiên nên rất đắt khách. Một số đơn vị như HTX Thủy sản Fenghe Tân Cương cũng bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) Nam Mỹ từ tháng 4/2023 và thu hoạch sau 2 tháng.
Jiang Shengguo, Giám đốc HTX cho biết, đến nay đơn vị đã sản xuất 80.000 tấn tôm và cung ứng thêm 100.000 tấn cho thị trường vào tháng 10/2023. Các tỉnh lân cận cũng đổ xô đặt mua tôm nội địa nhưng cung không đủ cầu. Từ tháng 6/2023, Jiang đã đầu tư hơn 6 triệu CNY (822.370 USD) để đánh giá môi trường, nguồn nước ngọt ở địa phương để xây dựng trại nuôi tôm nhà màng. Các tỉnh lân cận cũng tìm đến Kuqa để học hỏi công nghệ nuôi thủy sản. HTX ở Kuqa có 45 trại nuôi tôm nhà màng và dự kiến xây dựng thêm 25 trại nữa để nâng sản lượng hàng năm lên 400.000 tấn.
Tại TP Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc, lô TTCT nuôi đầu tiên đã xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Freshippo, thuộc chuỗi thực phẩm tươi sống của Alibaba. Trước đây, Tứ Xuyên và Trùng Khánh phải mất nhiều chi phí mua và vận chuyển tôm từ thành phố ven biển như Trạm Giang hoặc Giang Tô nên tôm kém chất lượng, tuy nhiên chi phí nuôi tôm ở Trùng Khánh cao hơn các vùng ven biển khoảng 30%, Li Duosi, Giám đốc kinh doanh của Freshippo tại Trùng Khánh cho biết.
Cơ hội nào cho tôm nhập khẩu?
Theo Tiến sĩ Fuci Gou, Giám đốc NTTS toàn cầu tại Royal Agrifirm, ngành tôm nội địa Trung Quốc gồm nhiều phân khúc khác nhau, cả về mặt địa lý và hệ thống sản xuất. Dựa trên nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Gou ước tính sản lượng TTCT của Trung Quốc xấp xỉ 2 triệu tấn. Vựa tôm chủ yếu tập trung ở miền Nam, nhưng dự kiến miền Bắc sẽ tăng trưởng nhiều hơn trong tương lai. Nhiều người nhận định những con số mà Gou đưa ra đã cường điệu hóa, tuy nhiên, ông tin rằng ngành TTCT nội địa Trung đang bị đánh giá thấp và có khả năng sản xuất ít nhất 1,5 triệu tấn.
Nói về khả năng Trung Quốc tích cực nuôi tôm để cạnh tranh với nguồn cung nước ngoài, Tiến sĩ Gou nhận định tôm nội địa và tôm nhập khẩu phục vụ các phân khúc thị trường khác nhau và cả hai đều có cơ hội tăng trưởng. Gou cho biết thêm, Chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ các trại tôm RAS gần thành phố lớn, nhằm cung cấp tôm tươi giá trị cao cho khách hàng thành thị. Trong khi tôm nhập khẩu phần lớn là sản phẩm đông lạnh phục vụ đại trà. Tuy nhiên, sức tiêu thụ tôm nội địa hay nhập khẩu vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và khả năng tài chính của người tiêu dùng.
Thị trường tôm Trung Quốc gồm hai phân khúc riêng biệt. Một loại dành cho tôm sống, chủ yếu tiêu thụ tại chợ dân sinh ở Trung Quốc, với sức mua lên đến 200 tấn mỗi ngày tại Bắc Kinh. Còn lại là thị trường HOSO đông lạnh cũng như tôm giá trị gia tăng, tiêu thụ qua nhà phân phối, dịch vụ thực phẩm, thương mại điện tử và kênh bán lẻ.
Chi phí sản xuất tôm nội địa nuôi ao, nhà màng hay RAS tại Trung Quốc lần lượt khoảng 3,5 USD, 4 USD và 5 USD/kg. Do đó, tôm thu hoạch đến đâu chuyển ra chợ đến đó, chủ yếu dưới dạng tươi sống. Trong khi tôm nhập khẩu Ecuador sang Trung Quốc có giá CIF trung bình 5 USD/kg. Mặc dù, người nuôi tôm ở Trung Quốc có thể kiếm lợi nhuận tốt khi bán tôm tươi tại thị trường nội địa, nhưng nếu cạnh tranh với Ecuador và các nhà cung cấp khác trên thị trường HOSO đông lạnh hay tôm giá trị gia tăng, họ sẽ bất lợi hơn và lợi nhuận cũng giảm đáng kể. Ngay tại “sân nhà”, các trại nuôi tôm RAS cũng đang cố gắng vượt lên đối thủ là trại nuôi trong ao đất và nhà màng bằng cách mở rộng quy mô sản xuất.
Như vậy, tôm nhập khẩu hay tôm nội địa đều có cơ hội phát triển ở hai phân khúc thị trường miễn là nền kinh tế Trung Quốc phục hồi ổn định. Hiện, Chính phủ Trung Quốc đang kích cầu tiêu thụ tôm ở thành phố cấp 2 và cấp 3, tạo cơ hội cho tôm tươi sống RAS nội địa mở rộng tệp khách hàng. Tiến sĩ Ronnie Jin, Phó Giám đốc AquaOne, một trong những công ty tiên phong nuôi tôm RAS ở miền Bắc Trung Quốc nhấn mạnh, người tiêu dùng Trung Quốc luôn chuộng tôm tươi sống và họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm này. Vì vậy, các nhà cung cấp nước ngoài nên đặt mục tiêu phát triển thị trường HOSO đông lạnh và tôm giá trị gia tăng thay vì cạnh tranh với tôm nội địa Trung Quốc trong phân khúc sản phẩm tươi sống.
Mi Lan
(Tổng hợp)
Bình luận gần đây