Hiệp hội tôm Mỹ chính thức “phản kháng” tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador và Indonesia

Khi cán cân nghiêng về tôm nhập khẩu

Nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam từ 2020 đến 2022 đã tăng thêm 200 triệu pound, khiến thị phần nghiêng “khá đậm” về phía tôm nhập khẩu. Tính tổng năm 2022, giá trị tôm nhập khẩu từ 4 quốc gia này đạt 6,6 tỷ USD, chiếm hơn 90% tổng lượng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ.

Tôm nhập khẩu từ châu Á đang khiến ngành tôm trong nước của Mỹ lao đao. Ảnh: Shutterstock

Theo ASPA, năm 2023, tôm nhập khẩu tràn ngập thị trường, khiến tôm khai thác và tôm nuôi trong nước bị “lép vế”, giá tôm rơi xuống mức thấp kỷ lục. Lợi nhuận biên của ngành tôm trong nước gần như biến mất, đe dọa tương lai của nền kinh tế và di sản văn hóa của khu vực Vịnh Mexico. ASPA cho biết họ ghi nhận Chính phủ có rất nhiều chương trình trợ cấp dành cho người nuôi và chế biến tôm ở Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, bao gồm các gói vay được trợ giá, chính sách miễn thuế, các gói tài chính, tín dụng xuất khẩu, cung cấp vùng nuôi, nguồn nước và nhiều nguyên liệu đầu vào khác. Hiệp hội ước tính biên độ phá giá của tôm Ecuador có thể cao tới 111%, của Indonesia là 37%.

Giọt nước tràn ly

Tình hình tôm nhập khẩu “lấn sân” ngành tôm trong nước ở Mỹ đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng tôm nhập khẩu ngày càng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp, gây ra tình trạng thừa tồn kho và giá bán sụt giảm nghiêm trọng, đã trở thành giọt nước tràn ly. 

Cuối tháng 8, Liên minh Tôm miền Nam (SSA) – đại diện những người khai thác tôm ở Vịnh Mexico và bờ biển đông nam đã gửi thư tới Quốc vụ khanh ở các bang Bắc Carolina, Nam Carolina, Georgia, Florida, Alabama, Mississippi, Louisiana và Texas cầu cứu sự hỗ trợ trước tình trạng tôm nhập khẩu đang tràn vào Mỹ cướp thị trường của tôm nội địa, khiến các hộ gia đình nhỏ lẻ rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Trước tình hình đó, Thượng nghị sĩ Bill Cassidy thuộc đảng Cộng Hòa đã đề xuất hai dự luật nhằm cân bằng “sân chơi” cho tôm nội địa và tôm nhập khẩu, bằng cách áp thuế sản phẩm tôm nhập khẩu từ Ấn Độ (cùng chủng loại với tôm sẵn có tại thị trường Mỹ), theo đó các mức thuế tăng dần trong 3 năm liên tiếp, bắt đầu từ tháng 1/2024.

ASPA cũng đang tìm kiếm các quy định về thuế đối kháng để áp lên tôm nhập khẩu từ 4 quốc gia: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. ASPA đã đệ đơn Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC), dự kiến câu trả lời sẽ được đưa ra vào ngày 15/11/2023. Ngày 8/12, ITC sẽ bỏ phiếu về việc nhập khẩu tôm từ các quốc gia châu Á có đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành tôm trong nước hay không. Nếu cả hai đơn vị cùng đồng thuận, một cuộc điều tra trên diện rộng sẽ được thực hiện tại hai cơ quan này đến cuối mùa thu năm 2024. 

Ông Trey Pearson, Chủ tịch ASPA, cho biết trong số các lá đơn đệ trình, có 800 lá đơn là của những người khai thác tôm, đại diện cho hơn 1/2 sản lượng tôm khai thác nội địa. Theo báo cáo của ASPA, tổng sản lượng tôm khai thác và tôm nuôi của họ chiếm 85% sản lượng chế biến tôm trên toàn nước Mỹ.

Luật sư Elizabeth Drake, một đối tác tại Schagrin Associates và luật sư Eddy Hayes, một đối tác tại Leake & Andersson là đại diện của ASPA đối với việc đệ trình lần này. Họ cho rằng đây là hành động cần thiết để chấm dứt tình trạng các chính sách thương mại bất công tiếp tục gây biến dạng thị trường và tạo áp lực lên giá tôm. Nếu đề xuất của ASPA được thực thi, đây sẽ là một biện pháp điều chỉnh thị trường và là “liều thuốc” cấp thiết cho toàn bộ ngành công nghiệp tôm của Mỹ. 

> Theo NOAA, tháng 8/2023, Mỹ nhập khẩu 73.617 tấn tôm, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái (71.666 tấn), đánh dấu 2 tháng tăng nhập khẩu liên tiếp sau 13 tháng sụt giảm. Giá tôm trung bình vẫn ở mức thấp, 8,14 USD/kg, giảm 12% so với tháng 8/2022. Do đó, tổng giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 599,6 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái (664,8 triệu USD). 

An Vy

(Theo Undercurrentnews)

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *