Mỹ “ra sức” hỗ trợ Nhật Bản sau lệnh cấm của Trung Quốc

Đáp trả với “chiến tranh kinh tế” từ phía Trung Quốc 

Kể từ đầu tháng 7/2023, sau khi Nhật Bản công bố kế hoạch xả 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ xử lý ra Thái Bình Dương, nước này đã “hứng chịu” làn sóng phản đối kịch liệt từ nhiều quốc gia, trong đó gay gắt nhất có Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương. Đến ngày 24/8, Trung Quốc thông báo chính thức ban hành lệnh cấm nhập khẩu tất cả hải sản từ Nhật Bản. 

Chính phủ Mỹ đang nỗ lực “bù đắp” cho ngành thủy sản Nhật Bản, trước những ảnh hưởng từ lệnh cấm của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Nhật Bản. Theo dữ liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 571 triệu USD hải sản từ nước này. Do đó, lệnh cấm đã gây nên những tổn thất không nhỏ tới Nhật Bản. Đặc biệt, ngành xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản gặp rất nhiều trở ngại kể từ sau sự kiện xả thải Fukushima. Ước tính lượng sò điệp tồn kho có thể lên đến 6.000 tấn vào cuối năm nay.

Vừa qua trong chuyến thăm Nhật Bản, Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo đã đồng ý hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp sò điệp bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc. Theo đó, Mỹ tuyên bố sẽ mua một lượng lớn sò điệp Nhật Bản để phục vụ quân đội nước này. Ngày 29/10, nhóm Bộ trưởng Thương mại G7 cũng kêu gọi các quốc gia thu hồi lệnh cấm đối với hải sản Nhật Bản, mặc dù không đề cập cụ thể tới nước nào.

Mới chỉ là bắt đầu

Ông Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản nhận định, trên thực tế đơn hàng đầu tiên của quân đội Mỹ là 1 tấn sò điệp, một con số rất nhỏ so với hơn 100.000 tấn sò điệp mà Nhật Bản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm 2022. Hợp đồng này của Mỹ không thể bù đắp hoàn toàn thiệt hại về kinh tế mà lệnh cấm mà Trung Quốc gây ra, nhưng đây là cách Washington chứng minh sự ủng hộ với Tokyo.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel phát biểu tại Viện Nghiên cứu Đại học Quốc gia tại Tokyo, Nhật Bản về vấn đề Mỹ đặt mục tiêu hỗ trợ Nhật Bản trong thời gian tới. Ảnh: Reuters

Ông Rahm Emanuel cho biết, đây mới chỉ là những hỗ trợ ban đầu mà Mỹ dành cho Nhật Bản. Trong thời gian tới, các đơn vị quân sự của Mỹ sẽ ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp Nhật Bản. Một lượng lớn cá, sò điệp và nhiều loại hải sản địa phương khác sẽ được phục vụ trên các chiến hạm của hải quân Mỹ và nhà ăn ở 17 căn cứ quân sự trong khu vực. Và hơn hết, Washington đang xem xét việc cho phép vận chuyển trực tiếp sò điệp đánh bắt từ Nhật tới các nhà máy chế biến tại Mỹ.

Khi được hỏi về những tuyên bố gần đây mà ông Emanuel đưa ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân chỉ trả lời ngắn gọn: “Trách nhiệm của các nhà ngoại giao là thúc đẩy tình hữu nghị giữa các quốc gia, thay vì vu khống và gây ra những rắc rối không đáng có những quốc gia khác”. 

Ngọc Minh

(Theo Undercurrent News)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *