Nga chuyển hướng thị trường trước sự gia tăng sản lượng cá minh thái
Thị trường nhiều biến động
Chủ tịch Hiệp hội đánh bắt cá minh thái (PCA) của Nga, ông Alexey Buglak, bày tỏ sự kỳ vọng về sản lượng cá minh thái có đầu và ruột (H&G) của nước này sẽ tăng đáng kể trong năm 2024, từ 670.000 tấn lên 750.000 tấn, đây là mức sản lượng cao nhất kể từ đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, dự báo của PCA cũng cho thấy sản lượng cá minh thái nguyên con và surimi sẽ tăng lần lượt lên mức 150.000 tấn và 70.000 tấn trong năm tới. Thị trường cá minh thái phi lê và đông lạnh vẫn duy trì ở mức ổn định trong năm 2024.
Theo đánh giá, 2023 là một năm đầy thách thức đối với các nhà chế biến cá minh thái của Nga, tình hình chính trị bất ổn, thuế hải quan tăng cao, các lệnh cấm thương mại của thế giới đối với Nga… đã tác động trực tiếp tới việc đầu tư vào các dây chuyền sản xuất mới.
Hiện một số cơ sở chế biến tại Nga không thể hoạt động vì không nhận được sự chấp thuận từ phía Liên minh châu Âu. Họ chỉ có thể tập trung vào sản xuất surimi và cá minh thái nguyên con có đầu và ruột. Hàng loạt các công ty chế biến đang phải cắt giảm công suất. Ước tính trong năm 2023, sản lượng cá minh thái đông lạnh và cá minh thái phi lê của Nga đều giảm 30% so với năm trước. Ngược lại, sản lượng cá minh thái nguyên con tăng 5% lên 130.000 tấn, surimi tăng gấp đôi lên 55.000 tấn.
Biểu đồ 1: Sản lượng khai thác và chế biến cá minh thái của Nga đến năm 2026. Ảnh: PCA
Cũng theo ông Buglak: “Nhu cầu của thị trường nội địa, các nước châu Âu và châu Á đối với cá minh thái phi lê vẫn được duy trì. Tuy nhiên, tình hình vẫn đang thực sự rất khó khăn. Trong thời gian tới nếu áp lực chính trị vẫn gia tăng, sản lượng sẽ tiếp tục giảm. Riêng các sản phẩm surimi, với xu hướng tiêu dùng như hiện tại, chúng tôi tin rằng, sản lượng surimi sẽ tăng từ 80.000 tấn đến 85.000 tấn trong năm tới”.
Thị trường nội địa – chìa khóa cho ngành thủy sản Nga
Tình hình chính trị tại Nga đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với các nhà xuất khẩu thủy sản tại nước này. Sau lệnh cấm của Mỹ đối với việc nhập khẩu trực tiếp hải sản Nga, các nghị sĩ Mỹ hiện đang gia tăng lệnh trừng phạt khi đưa ra những hạn chế trong việc nhập khẩu thủy sản từ 2 tỉnh thuộc Trung Quốc, với lý do 2 tỉnh này sử dụng nguyên liệu cá minh thái có đầu và ruột của Nga. Đồng thời Mỹ mong muốn ngăn chặn việc nhập khẩu nguyên liệu thô hải sản của Nga từ các nước thứ ba như Trung Quốc.
Ông Buglak nhận định, sản lượng cá minh thái có đầu và ruột đang tăng lên và có thể sẽ đạt đỉnh cao nhất kể từ trước đến nay, ngành thủy sản Nga buộc phải chuyển hướng đến một thị trường cụ thể ổn định hơn. Và thị trường nội địa Nga đầy tiềm năng mà PCA hướng tới đang được đẩy mạnh đầu tư. Theo ông Buglak, trong năm nay, tổng sản lượng cá minh thái cung cấp cho thị trường nội địa đạt mức 210.000 tấn. Riêng cá minh thái có đầu và ruột đạt 100.000 tấn, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu mặt hàng này giảm 15% so với năm 2022. Tính đến tháng 9/2023, thị trường nội địa chiếm 24% tổng sản lượng cá minh thái. Mục tiêu của Nga sẽ nâng con số này lên 38% trong vòng 3 năm tới.
Biểu đồ 2: Sản lượng tiêu thụ cá minh thái của thị trường nội địa Nga. Ảnh: PCA
Chính phủ cũng đã áp dụng mức thuế xuất khẩu 7% đối với các mặt hàng cá xuất khẩu của Nga. Điều này tác động không nhỏ đến cán cân thị trường. Tiêu thụ nội địa có lợi nhưng thị trường xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Ông Buglak cho biết, các công ty khai thác cá minh thái tại Nga cũng đang tiếp tục xây dựng các cơ sở chế biến xung quanh bờ biển Okhotsk để gia tăng năng suất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho thị trường nội địa. Năm 2022, các nhà máy chế biến tại Nga đạt doanh thu 236.000 tấn cá minh thái, chiếm 12% tổng sản lượng và đến năm 2026, con số đó dự kiến sẽ tăng lên tới 450.000 tấn.
EU cắt giảm hệ thống nhập khẩu ATQ của Nga liệu có khả thi
Theo dự thảo được đề xuất của EU vào tháng 9/2023 về hệ thống Hạn ngạch thuế quan tự trị (autonomous tariff quotas – ATQ) năm 2024 – 2025, từ tháng 7/2024, EU sẽ đẩy nhanh tiến độ áp dụng các biện pháp hạn chế đối với ngành thủy sản của Nga.
Theo ông Buglak, quyết định này có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể cho cả Nga và EU. Nga là một trong những nhà cung cấp thủy sản trực tiếp chính cho thị trường EU, với khoảng 481.000 tấn vào năm 2022. Hiện thị trường châu Âu cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cá minh thái từ Nga.
Biểu đồ 3: Chế biến cá minh thái tại các nhà máy chế biến ven biển của Nga. Ảnh: PCA
Áp dụng những biện pháp hạn chế về thuế, hạn ngạch xuất khẩu và những ảnh hưởng từ vấn đề lạm phát hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao trong thời gian tới. Các nhà xuất khẩu của Nga có thể sẽ phải cân nhắc lựa chọn các thị trường tiêu thụ tiềm năng để ứng phó với những khó khăn đến từ thị trường EU và Mỹ.
Ông Buglak cho biết thêm: “Với tình hình như hiện tại buộc chúng tôi phải chuyển hướng tập trung về thị trường nội địa. Những nỗ lực từ phía chính phủ trong việc hỗ trợ tăng cường thu mua và phân phối cá minh thái phục vụ cho thị trường nội địa đã làm giảm nhẹ những áp lực trước mắt cho thị trường”.
Anh Thư
(Theo Undercurrent News)
Bình luận gần đây