Kiên Giang: Đến năm 2030, trở thành trung tâm kinh tế biển của Quốc gia
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong Quy hoạch tỉnh Kiên Giang là phát triển kinh tế biển; nuôi biển, khai thác hải sản bền vững, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến thủy sản hải, công nghiệp năng lượng tái tạo…
Cùng đó, trong phát triển các ngành quan trọng, nông nghiệp và thủy sản được định hướng như sau: Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một mô hình sản xuất tôm – lúa đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh minh họa.
Đồng thời, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm; Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ theo hướng tăng giá trị kinh tế sản phẩm. Gắn kết sản xuất, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng; kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái nông nghiệp, công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động nuôi biển theo hướng hiện đại, bền vững và gắn với các ngành kinh tế biển khác, bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh. Chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và hoạt động của đội tàu khai thác; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nghề cá tại các ngư trường, hải đảo.
Tại Quy hoạch này, tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội theo 4 tiểu vùng. Trong đó, vùng Tứ giác Long Xuyên (bao gồm thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Giang Thành, huyện Hòn Đất và một phần các huyện Tân Hiệp, Châu Thành) là vùng tập trung phát triển đô thị, kinh tế cửa khẩu và các hoạt động thương mại, dịch vụ giá trị gia tăng, chất lượng cao của tỉnh; tập trung các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí phục vụ ngành nông và ngư nghiệp, công nghiệp năng lượng; đầu mối giao thương, giao thông đối ngoại của tỉnh; vùng sản xuất nông nghiệp, vùng nuôi biển và bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Vùng Tây sông Hậu (bao gồm một phần huyện Tân Hiệp, Châu Thành và toàn bộ huyện Giồng Riềng, Gò Quao) là vùng tập trung phát triển đa dạng các ngành công nghiệp chế biến nông – thủy sản, các ngành công nghiệp chế tác sử dụng nhiều lao động; là vùng phát triển mạnh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
Vùng U Minh Thượng (bao gồm huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận) là vùng tập trung phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản kết hợp, cung cấp nguyên liệu cho phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, hậu cần nghề cá, kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, du lịch văn hóa đặc trưng; vùng bảo tồn cảnh quan, đa dạng sinh học Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Vùng Hải đảo (bao gồm thành phố Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải) là vùng tập trung phát triển mạnh về kinh tế biển, với nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch biển đảo, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; phát triển vùng hải đảo theo hướng sinh thái kết hợp bảo vệ vườn Quốc gia và hệ sinh thái biển; có vị trí đặc biệt về quốc phòng – an ninh.
Bảo Hân
Bình luận gần đây