Dốc sức chung tay tháo gỡ “cái khó” của tôm hùm bông Việt Nam
Sự việc Trung Quốc “làm khó” tôm hùm bông xuất khẩu của Việt Nam đang trở thành nỗi trăn trở của Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và người nuôi tôm hùm bông trên cả nước trong những ngày vừa qua.
Hiện vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông vào Trung Quốc là vấn đề bảo vệ động vật quý hiếm, nguy cấp và các thủ tục (của cả nhà nhập khẩu và cơ sở xuất khẩu) chứng minh quá trình nuôi trồng (từ con giống). Các yêu cầu về an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan không có thay đổi.
Trung Quốc đang “gây khó dễ” cho tôm hùm bông nước ta. Ảnh: ST
Về vấn đề này, NAFIQPM đề xuất lãnh đạo Bộ NN&PTNT xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan để xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc.
Tại buổi làm việc trực tuyến giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật; Hải quan các địa phương nhập khẩu tôm hùm bông từ Việt Nam: Thâm Quyến, Quảng Châu, Nam Ninh) với phía Việt Nam vào ngày 10/11/2023, đại diện phía Trung Quốc đề xuất hai bên nhanh chóng xem xét, ký kết Nghị định thư về kiểm soát thủy sản sống khai thác tự nhiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và sẽ gửi đề xuất tới phía Việt Nam thông qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Trước đề xuất này, NAFIQPM kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT giao NAFIQPM chủ trì, phối hợp với Cục Thủy sản, Cục Thú y tham mưu việc xây dựng, góp ý, trình cấp thẩm quyền ký kết nghị định thư sau khi nhận được đề nghị chính thức từ Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật Trung Quốc.
Trước đó, từ tháng 8/2023 đến nay, xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị ách tắc, khiến việc xuất khẩu mặt hàng này gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ tháo gỡ. Tại thủ phủ nuôi tôm hùm bông như Phú Yên, Khánh Hòa, người nuôi tôm cũng lao đao vì giá tôm hùm bông giảm mạnh sau thông tin xuất khẩu mặt hàng này gặp khó.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản
Khó đáp ứng tiêu chuẩn mới
Những quy định mới mà phía thị trường Trung Quốc đưa ra là rào cản hết sức khó khăn cho tôm hùm bông Việt Nam vì đến thời điểm hiện tại thế giới chưa có nước nào cho sinh sản thành công và thương mại tôm hùm bông giống. Gần đây mới chỉ có Australia thành công bước đầu trong việc cho sinh sản nhân tạo. Chính vì vậy mà ngành này khó đáp ứng được các tiêu chuẩn mới của Trung Quốc.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa
Cần phải xây dựng chuỗi liên kết
Để ổn định đầu ra, cần phải hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch tôm hùm sang thị trường Trung Quốc. Muốn vậy, cần phải xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu mua đến xuất khẩu tôm hùm và phải gắn với truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng được 3 chuỗi liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu tôm hùm chính ngạch. Tuy nhiên, so với quy mô của nghề nuôi tôm hùm trong tỉnh thì số lượng các chuỗi liên kết còn rất hạn chế. Vì vậy, ngành NN&PTNT đang có định hướng xây dựng thêm các mô hình liên kết này ở các vùng nuôi trên địa bàn huyện Vạn Ninh, TP Nha Trang và TP Cam Ranh.
Ông Lê Tấn Bản, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa
Người nuôi tôm hùm lo lắng không yên
Tôm hùm là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực ở nhiều địa phương ven biển trong tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, hiện nay, con giống tôm hùm khai thác từ tự nhiên trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu của người nuôi, số còn lại phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia. Theo người nuôi, họ thường phải mua tôm giống nhập lậu, giá tôm giống loại xanh trắng là 36.000 đồng/con, xanh lam là 33.000 đồng/con, tôm bông xô 40.000 đồng/con… Nhưng với tôm giống trôi nổi trên thị trường không có giấy tờ, kiểm dịch… rất dễ bị dịch bệnh. Nuôi trồng trong nước khó khăn, trong khi thị trường Trung Quốc đưa ra quy định mới với tôm hùm bông của Việt Nam như vậy là đang “gây khó” chúng ta. Thêm nữa là các thủ tục (của cả nhà nhập khẩu và cơ sở xuất khẩu) chứng minh quá trình nuôi trồng (từ con giống)… càng làm khó người nuôi hiện nay.
PGS. TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III
Xác định mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản
Ở nước ta, nhiều vùng có thế mạnh nuôi tôm hùm như ở Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Định. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu nuôi tôm theo hộ, bán cho thương lái tại địa phương và các tỉnh lân cận. Tôm hùm cũng chủ yếu bán sống nguyên con, chưa được đầu tư chế biến để nâng cao giá trị, nên dù “làm ra” tôm hùm nhưng tôm thiếu các chứng nhận cần thiết, do vậy chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch, giá cả bấp bênh. Do đó, bước đầu tiên là chúng ta phải xác định mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè của từng vùng nuôi, làm cơ sở để sản phẩm tạo ra được xuất khẩu chính ngạch. Hiện nay, việc cấp mã số cơ sở nuôi các đối tượng chủ lực đã và đang được các địa phương tiến hành. Chẳng hạn, ở Khánh Hòa đã cấp được 187 cơ sở nuôi, ở Phú Yên cấp được 133 cơ sở nuôi. Còn việc xác định mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè trên biển đến nay vẫn còn đang chờ quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh và quy định pháp luật về biển bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do vậy, nếu chúng ta đẩy nhanh tiến độ, mạnh dạn và phát huy hơn nữa sự sáng tạo, bứt phá,… ở từng địa phương, để tạo ra nhiều vùng có mã số cơ sở nuôi lồng bè trên biển thì đây sẽ là điểm mấu chốt để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, ổn định giá cả cho người nuôi tôm hùm.
Vũ Mưa – Kim Tiến
Bình luận gần đây