Tăng cường xuất khẩu sang “nước láng giềng”

Thị trường trụ cột 

Trung Quốc được nhận định đang là thị trường xuất khẩu trụ cột của nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam. Trong đó, cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc luôn chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc cũng trong top 5 thị trường nhập khẩu nhiều tôm của Việt Nam. Đặc biệt những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo Bộ NN&PTNT, đến nay hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hơn 800 doanh nghiệp Việt Nam được công bố đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang nước này. Hiện, Trung Quốc đã cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản của Việt Nam. 

Những năm gần đây, thị trường Trung Quốc luôn trong top 3 nhà nhập khẩu thủy sản Việt nhiều nhất, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản.Ảnh: Gia Bảo

Tháng 7/2023, Trung Quốc đã áp lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ Nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương. Các lô hàng thủy sản Nhật Bản xuất khẩu vào Trung Quốc bị áp dụng các biện pháp siết chặt kiểm tra chất phóng xạ. Sau sự kiện này, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã tìm tới các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. 

Theo VASEP, năm 2023 và những năm tới, có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội và dư địa cho thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc. Trước tiên, dịch COVID-19 đã chấm dứt, giao thương của Trung Quốc với thế giới hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu thủy sản đang hồi phục như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, mực, bạch tuộc. 

Một số chuyển dịch trong đầu tư kinh tế ở Trung Quốc cũng được coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Dường như các ngành kinh tế siêu lợi nhuận và sinh lợi cao được quan tâm đầu tư nhiều hơn, do vậy, đầu tư cho NTTS giảm, xuất khẩu thủy sản của nước này cũng giảm dần trong những năm gần đây do cả yếu tố COVID-19 và xu hướng chuyển dịch kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu. Những biến động địa chính trị, lạm phát, khủng hoảng năng lượng… khiến cho nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các nước lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản sụt giảm mạnh, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng lên. 

Tích cực giao thương với “láng giềng gần” 

Hiện tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD, trở thành nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây (chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh). 

Hiện các bên đang tích cực giải quyết những khó khăn để sản phẩm Việt Nam phục vụ tốt hơn nữa khách hàng ở Quảng Tây. Rất nhiều doanh nghiệp hy vọng xuất khẩu thủy sản tươi sống sẽ ngày càng phát triển hơn. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm tươi sống qua đường tiểu ngạch, nhưng số lượng hạn chế do không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng nên khó báo cáo tài chính với cơ quan thuế. 

Mới đây, các cơ quan hữu quan hai nước cũng đã tổ chức Hội nghị tại Lào Cai về vấn đề xuất khẩu vào tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Xuất nhập khẩu qua Lào Cai luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 20% trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19 và hiện duy trì giá trị xuất nhập khẩu hàng năm đạt trung bình từ 3,5 tỷ USD. Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam Hạo Nhất Sơn cho biết: “Tỉnh Vân Nam sẵn sàng hợp tác với lãnh đạo và doanh nhân Việt Nam để cùng thực hiện sự đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai bên đã đạt được; tiếp tục tăng cường giao lưu trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại”. Với quy mô dân số là 47 triệu người, người dân tỉnh miền núi Vân Nam rất yêu thích thủy, hải sản Việt Nam, tuy nhiên vì nhiều lý do, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Vân Nam chưa tương xứng với tiềm năng. 

Không chỉ các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam mà Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng thể hiện mong muốn tăng cường xuất, nhập khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới. Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông đã sang Việt Nam làm việc với Sở Công thương Đồng Tháp để thúc đẩy xuất khẩu. Ông Wu Xiao Wei, Chủ tịch Hiệp hội này cho biết, sẽ hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp các vấn đề liên quan đến các chứng chỉ cần thiết, phối hợp tổ chức các hội chợ, hội nghị, giao thương xúc tiến tiêu thụ nông sản…, giúp sản phẩm của Đồng Tháp có mặt nhiều hơn tại Quảng Đông theo con đường xuất khẩu chính ngạch. 

Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, VASEP đã đề xuất tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước với các địa phương Trung Quốc. Thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. 

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng khuyến nghị, để xuất khẩu thủy, hải sản sống sang Trung Quốc, các cơ sở đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống cần được Cục Thẩm định, chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. 

>> Theo Bộ Công thương, trong thời gian qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững: tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước năm 2022 đạt trên 175 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. 

Ngày 27/11 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Bộ Công thương Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại Trung Quốc (CCPIT) tổ chức Hội nghị “Xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam – Trung Quốc”, nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Thông tin tại Hội nghị, trong bối cảnh quá trình phục hồi kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức gay gắt, nhưng thương mại Trung Quốc – Việt Nam vẫn duy trì được đà phát triển tốt. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới của Trung Quốc. Hợp tác đầu tư Trung Quốc – Việt Nam có bước phát triển vững chắc, chuỗi công nghiệp và cung ứng của hai nước được kết nối sâu sắc, hợp tác trong lĩnh vực đầu tư đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ 4 của Trung Quốc trong khối ASEAN và ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. 

Nguyễn Anh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *