Tạo dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm
Quan trọng nhưng khó thực hiện
Chia sẻ tại Hội thảo “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau” mới đây, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định, liên kết chuỗi phải nói là một chủ đề rất khó và kết quả thực hiện thời gian qua so với nhu cầu thực tiễn còn rất khiêm tốn là một minh chứng”. Bởi theo ông Sử, ngành hàng tôm vẫn còn nhiều nút thắt cần nhanh chóng tháo gỡ; trong đó, liên kết chuỗi vẫn là bài toán khó và mô hình liên kết chuỗi giá trị vẫn đang gặp những tồn tại, khó khăn nhất định. Với độ khó trên, nên từ năm 2018 đến nay, dù rất nỗ lực, nhưng tỉnh Cà Mau chỉ mới có 7 công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm, với tổng diện tích hơn 23.000 ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 8.000 – 10.000 tấn, chủ yếu là sản phẩm tôm – rừng.
Cần thêm nhiều giải pháp để giúp ngành tôm Cà Mau tạo dựng được chuỗi giá trị triển bền vững trong bối cảnh hội nhập, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: Vũ Sinh
Ông Sử chia sẻ: “Hiện tỷ lệ hộ nuôi tôm trong tỉnh tham gia chuỗi liên kết giá trị ngành hàng tôm còn rất thấp và đa số các chuỗi liên kết còn ở quy mô nhỏ, năng lực của các chủ thể trong liên kết chưa thực sự mạnh, nhất là các HTX tổ hợp tác…”. Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành hàng tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua chủ yếu là do các doanh nghiệp lớn thực hiện, nên một khi những khó khăn, tồn tại trên được giải quyết thấu đáo mới có lời giải hiệu quả cho liên kết chuỗi ngành hàng tôm như mong muốn.
Làm rõ thêm khó khăn, tồn tại trong thực hiện liên kết chuỗi có tính đặc thù của Cà Mau thời gian qua, trong tham luận về “Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm – lúa, tôm – rừng theo hướng chứng nhận hữu cơ, sinh thái”; ông Ngô Tiến Chương, cán bộ cao cấp của Tổ chức GIZ cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chuỗi giá trị tôm – lúa chưa thể phát huy hết tiềm năng, là do biến động các chỉ tiêu môi
trường nước, chất lượng môi trường kém. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực trạng chất lượng đầu vào như: giống, phân bón, vi sinh… chưa được kiểm soát tốt, các tiến bộ khoa học công nghệ chưa được ứng dụng rộng rãi vào mô hình…; dẫn đến sản lượng thấp, tỷ lệ sống tôm nuôi thấp và nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp.
Kỳ vọng vào giải pháp hiệu quả
Trước những khó khăn đã được nhận diện, cùng sự tham gia của đông đảo các bên có liên quan tại Hội thảo lần này, ông Lê Văn Sử mong muốn các vấn đề có liên quan đến phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm sẽ được trao đổi, thảo luận, phân tích; để góp phần tích cực, có hiệu quả trong việc tháo gỡ những khó khăn, các điểm nghẽn trong thực hiện liên kết chuỗi, ngành hàng tôm.
Cảm thông, thấu hiểu và mong muốn đồng hành cùng ngành tôm Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung, các đại biểu đã có nhiều chia sẻ, thảo luận, đề xuất các giải pháp để giúp chuỗi giá trị ngành hàng tôm ngày một hoàn thiện, lớn mạnh hơn, thực chất và hiệu quả hơn, hướng đến mục tiêu vì một ngành tôm Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững.
Theo ông Chương, Cà Mau và các tỉnh ven biển ĐBSCL có thể tận dụng diện tích vùng nhiễm mặn đang mở rộng, do bị tác động của hạn mặn đang diễn ra, để có thể chuyển đổi thêm một triệu ha đến 2030 ở các vùng giao thoa. Còn theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, giải pháp trọng tâm vẫn là đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau.
Theo đó, Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển mới từ 15 – 20 chuỗi liên kết với sản lượng tôm được tiêu thụ thông qua liên kết đạt khoảng 5.000 tấn và hoàn thiện và phát triển chuỗi liên kết ngành hàng tôm của tỉnh một cách hiệu quả, bền vững, ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm chủ lực theo quy mô lớn; xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc cho ngành hàng tôm của tỉnh, tiến tới chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm của địa phương và các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế khác. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từng bước giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành hàng tôm; mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu; gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân…
Hội thảo còn được nghe đại diện Chi cục Thủy sản Cà Mau trình bày tham luận về “Thực trạng và giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau”; đại diện VASEP trình bày báo cáo về “Đánh giá kết quả xuất khẩu tôm Việt Nam, cơ hội – thách thức và dự báo tình hình thị trường trong thời gian tới”; đại diện Tập đoàn Việt Úc trình bày tham luận về “Khép kín chuỗi giá trị: Vì một ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững”; đại diện Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trình bày tham luận về “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm”; đại diện Tổ chức WWF trình bày tham luận về “Thực trạng và giải pháp tăng cường liên kết chuỗi trong mô hình nuôi tôm”…
>> Ngành tôm Cà Mau chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp địa phương. Ngành tôm chi phối đến đời sống của hơn 50% dân số toàn tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hơn 350.000 lao động trong tỉnh.
Từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng, hình thành vùng nuôi tôm được cấp chứng nhận hữu cơ, sinh thái (trong nước và quốc tế) với sự tham gia của 7 công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm, với tổng diện tích hơn 23.000 ha/4.000 hộ. Trong đó, vùng nuôi tôm – rừng 22.600 ha, tôm – lúa 565 ha. Sản lượng hàng năm đạt khoảng từ 8.000 – 10.000 tấn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 20 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, các HTX, các hộ dân trong tỉnh triển khai thực hiện với các đối tác khác.
Xuân Trường
Bình luận gần đây