Ecuador: Nỗ lực đưa tôm bền vững đến thị trường Pháp

Dòng sản phẩm mới mang nhãn hiệu Mr. Goodfish, do trại nuôi tôm Edpacif của Ecuador sản xuất thông qua dự án hợp tác với hãng thức ăn chăn nuôi BioMar, Earthworm Foundation – tổ chức tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề môi trường xã hội, và hãng bán lẻ Auchan. Edpacif tin tưởng sản phẩm này sẽ đặt ra tiêu chuẩn mới cho toàn bộ mặt hàng tôm được sản xuất có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu. 

Thức ăn nuôi tôm tại trại Edpacif không chứa bất kỳ thành phần đạm thực vật canh tác trên đất phá rừng hoặc thậm chí là vùng nhiệt đới. Ảnh: BioMar

Nhãn hiệu Mr. Goodfish là một phần trong chương trình Mr.Goodfish của Trung tâm biển quốc gia Pháp. Nhãn hiệu Mr. Goodfish được cấp cho các mặt hàng thủy sản bền vững, nhằm nâng cao ý thức tiêu dùng thủy sản có trách nhiệm. Chương trình Mr. Goodfish gồm 3 tiêu chí đánh giá: thức ăn có trách nhiệm, điều kiện chăn nuôi tối ưu vì phúc lợi động vật và tác động môi trường.

Olivier Vandebeulque, Giám đốc kinh doanh thủy sản tại Auchan cho biết: Khách hàng của chúng tôi yêu cầu mặt hàng thủy hải sản phải được sản xuất trách nhiệm hơn. Do đó, chúng tôi cần đảm bảo được tiêu chí này xuyên suốt chuỗi giá trị. Đây là toàn bộ mục đích hợp tác của Auchan với tổ chức Earthworm Foundation”. 

Trong dự án nói trên, BioMar sử dụng công cụ đánh giá tác động bền vững (BioSustain LCA) để giảm thiểu lượng khí thải carbon trong thức ăn nuôi tôm thông qua tối ưu công thức. Henrik Aarestrup, Phó giám đốc BioMar cho biết công ty đã thay thế dầu cá bằng vi tảo và sử dụng 100% protein có nguồn gốc phụ phế phẩm thủy sản chất lượng cao. Trong quá trình hợp tác với trại nuôi tôm Edpacif, nhóm tư vấn bền vững của BioMar đã đưa ra những khuyến nghị với trại nuôi tôm về cách giảm lượng khí thải carbon khi nuôi tôm. 

Đại diện BioMar cho biết, thức ăn nuôi tôm tại trại Edpacif không chứa bất kỳ thành phần đạm thực vật canh tác trên đất phá rừng hoặc thậm chí là vùng nhiệt đới. Thức ăn nuôi tôm có thể chứa 50% đậu nành, vì vậy tìm kiếm nguồn nguyên liệu bền vững là chìa khóa để đạt kết quả tốt về môi trường. 

Hãng bán lẻ Auchan cũng đang thử nghiệm một phương pháp mới để thương mại hóa sản phẩm tôm, chẳng hạn như chỉ bán các khay nõn tôm. Sự đổi mới này có hai lợi ích: lượng khí thải carbon liên quan đến vận chuyển sản phẩm giảm 40% và đầu tôm cũng được chế biến và tái sử dụng ở Ecuador làm thức ăn chăn nuôi, từ đó thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất tôm. 

Trong khi đó, Earthworm đã bổ sung tiêu chí xã hội vào chương trình Mr.Goodfish để áp dụng lên thông số kỹ thuật của tôm Ecuador. Florie Loth, Giám đốc Chương trình đại dương tại Earthworm giải thích: “Một con tôm có trách nhiệm cũng cần tính đến tính bền vững của xã hội”. Tại Ecuador, các hoạt động liên quan đến tôm của tổ chức này đều tập trung vào các sáng kiến nâng cao năng lực nhằm thúc đẩy thay đổi xã hội. Nhóm Earthworm cũng hợp tác với trang trại Edpacif để cải thiện điều kiện việc làm và cung cấp nhà ở tốt hơn cho người lao động. Dòng sản phẩm tôm mới hiện đã có mặt tại các đại siêu thị Auchan của Pháp. 

Tuấn Minh

(Theo Globalseafood)

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *