Kontali: Ngành cá hồi toàn cầu tiếp tục thu lợi “khủng”

Cá hồi Đại Tây Dương tiếp tục là ngành hàng tăng trưởng mạnh. Ảnh: Shutterstock

Cá hồi cỡ lớn được ưa chuộng

Theo các chuyên gia thuộc Kontali Analyse, công ty tư vấn và cung cấp dữ liệu thủy sản của Na Uy, mặc dù năm 2024 lạm phát vẫn còn tiếp diễn khiến xu hướng tiêu dùng thay đổi, nhưng yếu tố về giá và thị hiếu vẫn giúp cá hồi Đại Tây Dương đạt được lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm thủy sản khác. 

Năm 2023, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, châu Á, châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận xu hướng tăng nhập khẩu và tiêu dùng cá hồi cỡ lớn. Do đó, chuyên gia phân tích Lars Daniel Garshol tin rằng năm 2024, cá hồi cỡ lớn (từ 5 kg trở lên) sẽ tiếp tục là lựa chọn hàng đầu, cùng với đó, sushi và sashimi sẽ trở thành món ăn được ưa chuộng hơn cả. Minh chứng là xu hướng văn hóa ẩm thực Nhật Bản vẫn tiếp tục lan tỏa trên toàn thế giới bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày càng nhiều nhà hàng Nhật được mở ra, hứa hẹn sức tăng trưởng không ngừng.

Đồng quan điểm với Kontali, ngân hàng Hà Lan Rabobank cũng cho rằng sản lượng cá hồi toàn cầu sẽ gia tăng trong năm 2024, chủ yếu tập trung ở Na Uy. Tuy vậy, không có nghĩa giá bán của loại thực phẩm này sẽ xuống thấp mà ngược lại có khả năng “leo thang”, tiếp tục kéo dài kỷ nguyên của ngành cá hồi Đại Tây Dương với lợi nhuận không ngừng tăng. Theo Rabobank, trong vòng ba năm tới, ngành cá hồi toàn cầu tăng trưởng ổn định từ 2% đến 4%, trong đó sức cung của Na Uy tăng 4% – 5% trong năm 2024, góp phần đưa sản lượng cá hồi toàn cầu lên 3 triệu tấn. 

Trung Quốc “chơi lớn”

Tại Trung Quốc, nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương vào nước này gần như đã hồi phục hoàn toàn, đạt mức chưa từng có kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 77.500 tấn cá hồi Đại Tây Dương, 50% đến từ Na Uy. 

Theo nguồn tin từ Undercurrentnews, thị trấn ven biển Nhật Chiếu thuộc tỉnh Sơn Đông đã trình kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng cá hồi toàn diện, tới năm 2025 có thể sản xuất 20.000 tấn/năm. Chi phí đầu tư cho dự án này là 8 tỷ CNY (1,13 tỷ USD). Dự án bao gồm xây dựng một trung tâm ương giống và các cơ sở nuôi cá hồi ngoài khơi và trên cạn, đồng thời có các đơn vị chế biến, cung cấp thiết bị, tiêm vắc xin, sản xuất thức ăn, khu trữ lạnh và phát triển thương hiệu. Chính quyền thị trấn Nhật Chiếu cho biết đang có vốn ngân sách là 10 tỷ CNY và sẵn sàng giải ngân cho các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thủy sản. Tính đến thời điểm hiện tại, 4,6 tỷ CNY đã được phân bổ, một doanh nghiệp tiếp nhận là Tập đoàn Wan Zefeng, chủ sở hữu của “Deep Blue 1” – dàn nuôi cá ngoài khơi đầu tiên của Trung Quốc.

Năm 2023, Nhật Chiếu là “vựa” giống hàng đầu của phía bắc Trung Quốc, với 230 cơ sở nhân giống trong nhà. Chính quyền thị trấn cho biết đang lên kế hoạch đầu tư công nghệ nhân giống cá hồi để giải quyết các vướng mắc trong sản xuất.

An Vy

(Theo Undercurrentnews)

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *