Chế biến sâu nâng sức cạnh tranh
Cạnh tranh gay gắt
Theo VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 21% so cùng kỳ năm 2022. Nhóm 5 doanh nghiệp xuất khẩu tôm có kim ngạch lớn nhất lần lượt là Stapimex, Minh Phu Seafood Corp, Minh Phu – Hau Giang, Cases, Fimex VN.
Ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh chế biến sâu. Ảnh: CTV
Mặc dù ngành công nghiệp chế biến đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp tôm, tuy nhiên do giá nguyên liệu ở Việt Nam đang cao hơn giá thế giới từ 1 – 2 USD/kg nên phần lợi nhuận này cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu Việt Nam có giá thành tôm rẻ như các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… thì ngành công nghiệp chế biến tôm sẽ còn phát triển tốt hơn nữa so với thực tế hiện nay.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Phú cho biết, do chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ, lẻ, nguyên liệu sản xuất thức ăn, thuốc phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu… nên chi phí sản xuất tôm ở Việt Nam hiện đang cao hơn khoảng 30% so với Ấn Độ, Indonesia và cao hơn mấy lần so với tôm Ecuador. Ngoài chi phí sản xuất thấp, Ecuador còn có lợi thế lớn là chi phí logistics đi Mỹ và EU thấp hơn nhiều so với các nguồn cung châu Á.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chi phí kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, chi phí kiểm soát kháng sinh ở các nước nhập khẩu. Điều này khiến năng lực cạnh tranh của ngành tôm bị giảm sút.
Đầu tư công nghệ cao trong sản xuất
Những năm gần đây, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng trong ngành nuôi trồng và chế biến tôm đã khiến giá thành tôm ngày càng hạ. Tuy nhiên, do giá con giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí lao động… còn cao nên giá thành sản xuất tôm Việt Nam vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với các nguồn cung khác. Đây là điểm yếu của ngành đang được các “mắt xích” trong chuỗi giá trị tìm cách khắc phục.
Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đang phải “mạnh tay” đầu tư thiết bị, công nghệ mới trong nuôi trồng, chế biến nhằm hạ giá thành. Không nói đâu xa, ngay tại Sóc Trăng hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm lớn, như: Khánh Sủng, Stapimex, Sao Ta, Tài Kim Anh… đều đã đầu tư máy móc công nghệ chế biến tôm hiện đại để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ các phân khúc thị trường cao cấp trên thế giới.
Theo các chuyên gia, với cách thức sản xuất giảm giá thành, giảm chi phí trong từng khâu nuôi, chế biến sẽ giúp ngành tôm Việt Nam có lợi thế hơn trong cạnh tranh và vẫn bảo toàn lợi nhuận dù giá bán ra giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, để tạo hiệu ứng sâu rộng, việc giảm giá thành sản xuất cần triển khai đồng bộ hơn, nhất là tại các ao nuôi nhỏ lẻ.
Nâng chất lượng nhờ chế biến sâu
Thấy được hạn chế lớn về chi phí sản xuất, bên cạnh việc đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, ngành tôm Việt Nam đã đi sâu vào chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng và đã đạt được những thành tựu lớn. Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, ở lĩnh vực chế biến tôm, trong 6 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, thì đạt đến trình độ chế biến cao nhất là chế biến sâu, hiện chỉ mới có Việt Nam và Thái Lan. Nhờ vậy, dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ bởi tôm giá rẻ từ Ấn Độ, Ecuador, thế nhưng tôm Việt Nam vẫn đứng vững, thậm chí là chiếm thị phần lớn nhất tại nhiều thị trường khó tính.
Tại thị trường Nhật Bản, nhiều năm qua, tôm Việt Nam luôn chiếm được thị phần lớn nhất, trong đó có đóng góp không nhỏ từ các sản phẩm chế biến sâu. Thị trường Nhật Bản đòi hỏi kỹ thuật chế biến tinh tế, tỉ mỉ phù hợp năng lực chế biến của các doanh nghiệp tôm Việt Nam. Đồng thời, các sản phẩm giá trị gia tăng cũng giúp tôm Việt Nam duy trì được thị phần tại Mỹ trước sức ép cạnh tranh rất gay gắt của tôm Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.
Hay tại Trung Quốc – thị trường chuyên nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm tôm phục vụ cho người tiêu dùng nội địa, một số sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam cũng đang thâm nhập tốt. Điển hình như sản phẩm tôm sú luộc (hấp) với màu đỏ bắt mắt của một số nhà máy Việt Nam hiện đang được Trung Quốc mua rất nhiều.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để giữ được vị thế, duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh là năng lực chế biến sâu. Nếu duy trì và phát huy được thế mạnh này, tôm Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục giữ được vị trí số một tại các thị trường quan trọng, đồng thời duy trì được thị phần ở Mỹ, Trung Quốc và nâng cao thị phần tại EU.
>> Mặc dù xuất khẩu tôm năm 2023 tại các thị trường chính đều sụt giảm song VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2024 sẽ có nhiều khả quan. Nguồn cung tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt tôm từ Ecuador, tuy nhiên sản xuất tôm của Ecuador cũng có sự giảm nhẹ trong 2024. Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ 10 – 15% vào năm 2024.
Anh Vũ
Bình luận gần đây