Mỹ điều chỉnh giảm nhập khẩu thủy sản, tái cân bằng thương mại
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), năm 2023, Mỹ nhập khẩu 3,1 triệu tấn thủy sản, trị giá 25,8 tỷ USD, giảm 9% về khối lượng và 15% về giá trị so với năm 2022 (3,4 triệu tấn và 30,4 tỷ USD).
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), mức tiêu dùng trung bình thủy sản của Mỹ đạt 20,5 pound/người trong năm 2021, bao gồm sản phẩm đóng hộp, thủy sản tươi, đông lạnh và chế biến sẵn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Mỹ ngày càng lệ thuộc vào các nguồn cung trên thế giới. Khoảng 80% sản phẩm thủy sản được tiêu dùng tại Mỹ là hàng nhập khẩu.
Năm 2023, tôm và cá hồi là hai mặt hàng được Mỹ nhập khẩu nhiều nhất. Trong đó tôm đạt 788.209 tấn, trị giá 6,4 tỷ USD, tăng 2% về lượng, giảm 11% về giá trị so với năm trước. Nhập khẩu cá hồi đạt 500.754 tấn (bao gồm cá hồi nuôi và khai thác), trị giá 6,3 tỷ USD, tương đương năm 2022. Ngoài ra, mặt hàng góp mặt nhiều tại các cảng nhập khẩu còn có cua tuyết với tổng 59.344 tấn được thông quan, trị giá 770,2 triệu USD, tăng 32% về lượng, giảm 28% về giá trị so với năm trước.
Năm 2023, Mỹ nhập khẩu thủy sản từ 150 quốc gia, tuy nhiên xét về doanh thu lớn nhất thu được từ thị trường Mỹ thì không quốc gia nào đánh bại được Canada, Chile, và Ấn Độ. Canada – nguồn cung tôm hùm và cua tuyết lớn nhất của Mỹ – xuất khẩu 305.570 tấn thủy sản sang xứ cờ hoa trong năm 2023, trị giá 3,6 tỷ USD, giảm 2% về lượng và 13% về giá trị so với năm 2022. Chile – nguồn cung cá hồi lớn nhất – xuất khẩu 313.188 tấn thủy sản sang Mỹ, trị giá 3,4 tỷ USD, tăng 2% về lượng và 2% về giá trị. Trong khi đó, Ấn Độ – nguồn cung tôm lớn nhất – ghi nhận 325.583 tấn thủy sản, trị giá 2,5 tỷ USD, giảm 3% về lượng và 16% về giá trị.
Xét chung về tổng khối lượng thủy sản xuất sang Mỹ thì Trung Quốc vẫn đứng đầu với 340.539 tấn, giảm 11% so với năm 2022; tuy nhiên giá trị chỉ đạt 3,4 tỷ USD, do đó Trung Quốc vẫn đứng thứ bảy, sau Indonesia, Ecuador, và Việt Nam. Trong top 10 nguồn cung thủy sản lớn nhất của Mỹ, có tới 5 nguồn cung từ châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan), như vậy có thể thấy Mỹ phụ thuộc khá nhiều vào thủy sản châu Á. Tính chung năm 2023, Mỹ nhập khẩu 1,5 triệu tấn thủy sản từ lục địa này, trị giá 10,3 tỷ USD (tuy giảm 8% và 20% so với năm 2022).
Theo USDA, từ năm 1995 đến 2023, xuất khẩu thủy sản Mỹ giảm 23%, trong khi nhập khẩu tăng mạnh lên 87%. Thâm hụt trong giá trị thương mại (nhập khẩu – xuất khẩu) đạt đỉnh vào năm 2021 với 25,8 tỷ USD, sau đó giảm còn 20,3 tỷ USD trong năm 2023. Với đà điều chỉnh như vậy, Mỹ đang nỗ lực giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu.
Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), đồng thời cũng là quốc gia có hoạt động tái xuất sôi động. Do đó, việc Mỹ giảm nhập khẩu là một tin xấu đối với các nhà sản xuất thủy sản trên thế giới. Nguyên nhân được lý giải do cán cân thương mại thủy sản tại Mỹ đang bị lệch, tình trạng kinh tế suy giảm khiến người dân cắt giảm tiêu dùng protein, lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nga, thuế nhập khẩu thủy sản Trung Quốc, và sản lượng một số loài thủy sản không đáp ứng nhu cầu.
Trong khi các quốc gia đang bày tỏ lo ngại về việc Mỹ giảm nhập khẩu, thì các nhà sản xuất thủy sản tại Mỹ khá vui mừng với kết quả xuất khẩu trong năm 2023. Tổng cộng 1,3 triệu tấn thủy sản được xuất cảng, trị giá 5,2 tỷ USD, tăng 3% về lượng, giảm 4% về giá trị so với năm 2022 (1,2 triệu tấn và 5,4 tỷ USD). Theo dữ liệu của NOAA, giá trị xuất khẩu thủy sản của Mỹ bằng 20% giá trị nhập khẩu, mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
An Vy (Theo Undercurrentnews)
Bình luận gần đây