Điều chỉnh lại nghề khai thác phù hợp nguồn lợi thủy sản
Chương trình Quốc gia bảo về và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 nhằm bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU…
Đến năm 2030, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm. Ảnh: Việt Hoa
Cụ thể, đến năm 2030, hoàn thành kế hoạch điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản ở biển Việt Nam bao gồm cả vùng biển sâu, các bãi cạn, gò đồi ngầm theo Luật Thủy sản; điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển.
100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản.
Trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển phục hồi, tăng trên 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2016 – 2020; 100% các khu bảo tồn biển, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được hình thành, quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật thủy sản.
10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công; 20% số lượng loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được lập hồ sơ, giám sát, đánh giá.
100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm; 60% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.
Cùng đó, đồng bộ, thống nhất hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản được nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương.
Chương trình sẽ tập trung vào 6 nội dung chính, gồm: 1. Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; 2. Bảo tồn biển; 3. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; 4. Tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản; 5. Cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản; 6. Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Để thực hiện được hiệu quả 6 nội dung trên, Chương trình đưa ra 5 giải pháp trọng tâm. Cụ thể: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.
Cùng đó, từ nay đến năm 2030, Chương trình sẽ ưu tiên cho 9 dự án, đề án gồm: 1. Quan trắc thường niên đa dạng sinh học và môi trường trong các khu bảo tồn biển đã được thành lập; 2. Đề án thí điểm giao tổ chức ngoài công lập quản lý khu bảo tồn biển; 3. Tái tạo nguồn lợi thủy sản tại một số thủy vực vùng ven biển và nội địa; 4. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo, ương nuôi, thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bàn địa, loài thủy sản đặc hữu; 5. Đề án thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; 6. Truyền thông nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; 7. Đánh giá ảnh hưởng của rác thải nhựa và các loại ô nhiễm trên biển đến nguồn lợi thủy sản; 8. Điều tra đánh giá mức độ gây hại của các nghề, ngư cụ khai thác thủy sản đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh; 9. Điều tra, đánh giá và dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh.
Phạm Thu
Bình luận gần đây