Kiên Giang: Giá trị sản xuất thủy sản tăng so cùng kỳ
Đẩy mạnh nuôi lồng bè
Tính đến ngày 15/02/2024, ước tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 148.030 ha, đạt 57,84% kế hoạch. Trong đó, tôm nước lợ 79.474 ha, đạt 68,17% kế hoạch, tăng 1,10% so cùng kỳ (tôm thâm canh, bán thâm canh 795 ha, tôm – lúa 67.349 ha, quảng canh cải tiến 11.330 ha); cá lồng bè trên biển 1.939 lồng, đạt 70,1% so kế hoạch; nhuyễn thể 9.908 ha, đạt 68,79% kế hoạch (hến 4.327 ha, sò huyết 2.286 ha, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa 3.295 ha); cua biển 49.916 ha, đạt 62,06% kế hoạch; cá ao, ruộng, vèo… 8.732 ha, đạt 22,51% kế hoạch.
Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đề ra kế hoạch nuôi cá lồng bè với quy mô 4.000 lồng, sản lượng 4.400 tấn. Ảnh: Minh Khoa
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 2/2024 ước đạt 13.864 tấn, tăng 3,98% so tháng trước và tăng 2,96% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng ước 27.209 tấn, tăng 2,07% so cùng kỳ năm trước.
Từ cuối năm 2023 đến nay, do giá cá nuôi lồng bè ở được duy trì khá cao nên người nuôi rất phấn khởi. Vì vậy, người dân ở các vùng ven biển có điều kiện thuận lợi đã mạnh dạn đầu tư thả nuôi nhiều loại cá với kỳ vọng sẽ trúng mùa, được giá. Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đề ra kế hoạch nuôi cá lồng bè với quy mô 4.000 lồng, sản lượng 4.400 tấn. Trong số đó, huyện Kiên Lương thả nuôi 1.250 lồng, sản lượng 1.500 tấn; huyện Kiên Hải 1.200 lồng, sản lượng 1.500 tấn; Phú Quốc thả nuôi 550 lồng, sản lượng 1.000 tấn; Hà Tiên 1.000 lồng, sản lượng 400 tấn.
Sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ năm 2023. Nguồn: Cục Thống kê Kiên Giang
Để đạt được kế hoạch trên, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang ưu tiên mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật về vật liệu mới như kết cấu lồng nuôi bằng nhựa HDPE, lồng lưới chịu lực, sử dụng thiết bị máy móc phụ trợ, chiếu sáng trên bè bằng năng lượng mặt trời. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi phòng, trị bệnh trên đàn cá nuôi, các biện pháp xử lý khi dịch bệnh xuất hiện, khống chế không để lây lan ra diện rộng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy định pháp luật về đăng ký, cấp phép nuôi biển; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi gắn với quan trắc môi trường nước và năng cao năng lực chẩn đoán, cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản.
Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích triển khai nhân rộng phát triển liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn cá tạp. Đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi cá lồng bè…
Tín hiệu khả quan từ khai thác
Tháng 2/2024, tình hình khai thác thủy sản của Kiên Giang có tín hiệu khả quan hơn so cùng kỳ năm trước, do ngư trường khai thác đã dần ổn định hơn, một số loài nhuyễn thể được khai thác nhiều. Cùng đó, công tác tuyên truyền cho ngư dân về tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) dần được các hộ dân chấp hành thực hiện, các tàu đánh bắt đã cơ bản bắt đầu thực hiện nghiêm quy định chống đánh bắt IUU.
Tuy nhiên, việc bảo vệ nguồn lợi và tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa được hiệu quả, do một số chủ tàu thuyền vẫn còn một số hành vi vi phạm trong khai thác như sử dụng ngư cụ cấm, sử dụng chất độc, chất nổ, điện… Mặt khác, số lượng tàu khai thác lớn, quá mức cho phép, cơ cấu đội tàu và nghề chưa phù hợp, nguồn lực tài chính không ổn định dẫn đến nhiều phương tiện vẫn hoạt động cầm chừng và hoạt động không có hiệu quả.
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 2/2024 ước đạt 32.641 tấn, giảm 8,88% so tháng trước và tăng 6,03% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác ước đạt 68.464 tấn, đạt 15,74% kế hoạch năm và giảm 0,04% so cùng kỳ năm trước.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn, Kiên Giang là một trong những tỉnh có số tàu cá nhiều, nghề cá phát triển mạnh và giải quyết việc làm cho gần 70.000 lao động. Do đó, nghề đánh bắt thủy sản đã góp phần phát triển kinh tế cho bà con ngư dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Thời gian qua, lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng sở, ngành Kiên Giang kêu gọi bà con ngư dân, đặc biệt là chủ tàu, chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản, nhắc nhở nhau, khai thác thủy sản đúng pháp luật; Không gây hại đến nguồn lợi, không đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài.
Trong năm 2023, lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản đã sản xuất được gần 800.000 tấn thủy sản các loại, với tổng giá trị sản xuất đạt 33.474 tỷ đồng.
Diệu Châu
Bình luận gần đây