Thích ứng tốt dễ thành công
Đau đầu bài toán chi phí
Những năm qua, ngành tôm Việt Nam ra sức đổi mới và phát triển. Đặc biệt là nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành vẫn còn đối mặt không ít khó khăn.
Ngành tôm cần đầu tư nghiêm túc vào nuôi trồng, thích ứng tốt với tình hình mới để thành công. Ảnh: CTV
Ngay từ đầu năm 2023, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đã có xu hướng giảm gần như “chạm đáy”, khi tụt xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Điều này khiến nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ ngay cả khi trúng mùa. Một trong những nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp xuất khẩu bị cạnh tranh giá quyết liệt trên thị trường, nên họ phải hạ giá thu mua tôm nguyên liệu, gây thua lỗ đến người nuôi.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam còn thấp, chi phí đầu vào cao, dịch bệnh vẫn còn bùng phát… Từ đó, dẫn đến giá thành tôm nuôi ở Việt Nam cao hơn1 2 USD/kg, so với 2 đối thủ chính là Ecuador và Ấn Độ, làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đẩy mạnh sản xuất theo mô hình hiệu quả cao
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vina CleanFood) cho rằng: Trong bối cảnh đầy khó khăn của năm 2023, chúng ta cũng thấy những điểm sáng đáng để hy vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản. Đó là sự xuất hiện của các mô hình, các quy trình nuôi được cải tiến, theo hướng tỷ lệ thành công cao hơn và giá thành thấp hơn.
“Không nói đâu xa, ngay tại trang trại nuôi rộng hàng trăm ha của Vina CleanFood, qua cải tiến, hiện mô hình nuôi tôm của Vina CleanFood có tỷ lệ thành công trong vụ thuận trên 90%, cao nhất đến 98%. Còn vụ nghịch, hiện Công ty chúng tôi cũng đã có giải pháp phòng EHP hiệu quả, nên tỷ lệ thành công trong năm 2023 là khá cao”, ông Phục chia sẻ thêm.
Còn tại “Festival Tôm Cà Mau 2023, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tuyên bố đã thử nghiệm thành công trên diện tích lớn, tại nhiều vùng nuôi khác nhau. Đó là mô hình MPBio 124, có thể nuôi tôm đạt kích cỡ 30 con/kg, với giá thành chỉ khoảng 80.000 đồng/kg, tức tương đương với giá thành của Ecuador.
Không chỉ có sự thay đổi từ những trang trại lớn của các doanh nghiệp, mà nhiều hộ dân có điều kiện đã nâng cấp mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh để thích ứng tốt với tình hình mới và đã gặt hái được thành công.
Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến là sự hồi sinh của mô hình lót lưới đáy ao, bạt bờ trong vài năm qua. Một tín hiệu tích cực cho nghề nuôi tôm, bởi chi phí đầu tư cho mô hình này chỉ bằng 20 – 30% so mô hình ao nổi, bạt đáy. Đáng vui hơn, mô hình lót lưới đáy ao, bạt bờ đã có những thay đổi, cải tiến theo hướng hiệu quả và giảm giá thành đáng kể.
Ngoài ra, nông dân đã sử dụng ao nuôi tôm lớn hơn (2.000 – 3.000 m2/ao), ao sâu hơn (2,5 – 3 m), nên trên cùng diện tích, có thể thả nuôi mật độ cao hơn. Một thay đổi nữa, mô hình này được người nuôi sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học, sử dụng quạt tạo ôxy là chính và hầu như không thay nước, mà chỉ cấp bù sau mỗi đợt xi phông, nhờ đó chỉ tính riêng tiền điện đã tiết kiệm rất lớn.
Tăng kết nối
Không chỉ có mô hình nuôi tôm hiệu quả cao nói trên, mà theo báo cáo từ các trang trại khác cũng đã nuôi tôm thành công, vẫn còn rất nhiều khâu trong quá trình sản xuất, giúp người nuôi có thể tiết giảm chi phí để tăng lợi nhuận.
Đơn cử như việc tiết kiệm điện, thông qua cách đầu tư, bố trí hệ thống ôxy hợp lý và không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh, giúp người nuôi có thể tiết kiệm hơn 10.000 đồng/kg tôm thương phẩm.
Bên cạnh đó, nếu người nuôi sử dụng vật tư đầu vào phù hợp, có hiệu quả như: Không diệt khuẩn định kỳ, không bổ sung khoáng như cách làm của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, hoặc áp dụng giải pháp tổng hợp từ khâu dự trữ, xử lý nước, tầm soát dịch bệnh để phòng bệnh EHP của Vina CleanFood, thì con số tiết kiệm chắc chắn sẽ còn lớn hơn nữa.
Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân: Vấn đề cần làm ngay là đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, để hạn chế tình trạng nhỏ lẻ, nhằm tăng cường sự kết nối tốt hơn giữa người nuôi với các nhà cung cấp giống, thức ăn, hoặc chuyển giao kỹ thuật, chế biến, xuất khẩu… Làm sao đảm bảo người nuôi tiếp cận tốt hơn, với các nguồn cung cấp đầu vào, ứng dụng tốt hơn những tiến bộ của khoa học – công nghệ và thông tin thị trường.
>> Thời gian qua, ngành tôm đã có sự thay đổi đáng kể, để thích ứng với tình hình mới, nhưng sự thay đổi đó cần có sự chuyển biến rõ nét và mạnh mẽ hơn nữa, để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt này.
Xuân Trường
Bình luận gần đây