Khơi thông thị trường cá biển

Rô phi và cá tra thoái trào?

Sự kiện Hội nghị bàn tròn NTTS (TARS 2024) lấy nuôi biển làm chủ đề chính đã lý giải sự phát triển của ngành này trong tương lai là điều tất yếu. Ông Francisco Murillo – CEO của Tropo Farms, hãng sản xuất cá rô phi lớn nhất Ghana cho biết, cá rô phi – một trong những mặt hàng thủy sản chính tại thị trường Mỹ, đang rơi vào “thoái trào” trước hàng loạt biến động mạnh về nhu cầu tiêu thụ nhiều năm qua. Năm 2001, cá rô phi lọt top 10 sản phẩm thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường Mỹ, với tăng trưởng ấn tượng 144% trong vòng 5 năm. Tiêu thụ cá rô phi đạt đỉnh vào năm 2012 nhưng giảm 35% vào năm 2021.

CEO của Tropo Farms nhận định, nguyên nhân chính khiến cá rô phi không còn giữ vị thế độc tôn bởi thị hiếu của người tiêu dùng phương tây đã thay đổi, bao gồm cả nhận thức về môi trường và xã hội, đặc biệt trong ngành thủy sản đông lạnh. Nhập khẩu rô phi nguyên con đông lạnh vào thị trường Mỹ chững dần và có xu hướng đi xuống từ 60.000 tấn còn 48.000 – 50.000 tấn trong những năm gần đây. Riêng nhập khẩu fillet rô phi đông lạnh giảm mạnh tới 42% từ Trung Quốc và 46% từ Indonesia chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây. Một số tập đoàn bán lẻ như Walmar đã chuyển sang cá rô phi tươi sống từ Mỹ Latinh và dừng hẳn nhập khẩu rô phi đông lạnh từ châu Á. Theo ông Murillo, nhập khẩu rô phi trong 5 tháng đầu năm tại Mỹ ước đạt 20.300 tấn, mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua.

Tương tự cá rô phi, cá tra cũng gặp khó do nhu cầu tiêu thụ suy yếu trong khi sản lượng cá tra tăng cao, riêng châu Á đạt 3,33 triệu tấn vào năm ngoái, Mai Chung – Giám đốc hãng dinh dưỡng ADM cho biết. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam đóng góp 1,71 triệu tấn cá tra, Ấn Độ 756.000 tấn, Trung Quốc 463.000 tấn, Indonesia 398.000 tấn và Bangladesh 379.000 tấn. Ông Chung cho biết thêm, với tỷ lệ sống 70-80%, chi phí thức ăn chiếm 86% và giá thức ăn trung bình 0,97 – 1.05 USD/kg, người nuôi cá tra tại Việt Nam gần như không có lời khi giá cá tại ao chỉ 1,20 – 1,30 USD/kg. Giám đốc hãng dinh dưỡng ADM cho rằng, người nuôi cá tra cần tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm, ví dụ nuôi cá tra bằng thức ăn nguồn gốc thực vật, để tạo ra sản phẩm độc đáo phục vụ thị trường ngách.

1,6 tỷ con cá biển giống

Theo ông Young Chul Kim – Giám đốc R&D tại INVE Aquaculture cơ sở Singapore, sản lượng cá biển giống tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) dự kiến tăng trưởng 1,7% so cùng kỳ năm ngoái và đạt 1,424 tỷ con vào năm 2024, cùng với 77 trại giống trải khắp 16 quốc gia.

Năm 2022, 70% trong số 1,541 tỷ con cá giống nước mặn được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, trong đó cá chẽm và cá tráp chiếm tỷ lệ 95%. Sản lượng cá biển giống của khu vực EMEA dự kiến xấp xỉ 1,6 tỷ con vào năm 2028, trong đó Thổ Nhĩ Kỹ sản xuất 700 triệu con và Hy Lạp đóng góp 415 triệu con giống.

Ông Kim cho biết, những bước tiến vượt bậc về công nghệ tại các trại cá biển giống ở Địa Trung Hải đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho sản xuất cá giống. Những trại giống này đã và đang áp dụng những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt đối với thức ăn sống, kiểm soát môi trường và thức ăn khô cho cá giống. Nhờ đó, nguồn cá biển giống luôn đảm bảo sức khỏe và tăng trưởng tối ưu.

Chuyển sang khẩu phần thức ăn khô trong suốt giai đoạn ương nuôi con giống đảm bảo cá duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Những khẩu phần khô đã giảm nguy cơ kích cỡ phát triển không đồng đều, hạn chế tối đa hiện tượng cạnh tranh và ăn thịt đồng loại, từ đó tạo ra những lứa cá biển đồng đều kích cỡ và khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên, những cải tiến mà châu Âu đang áp dụng hiệu quả lại khó vận dụng ở châu Á. Theo các chuyên gia, nhiều cơ sở nuôi biển ở châu Á vẫn đang phụ thuộc vào phương pháp truyền thống, ví dụ ao nuôi nước xanh ngoài trời để sản xuất sinh vật phù du nên hiệu quả không ổn định.

Làn sóng ở Trung Quốc

Cá chim vây vàng trở thành một biểu tượng minh chứng sự phát triển nhanh như vũ bão của ngành công nghiệp nuôi biển tại Trung Quốc, Yufan Zhang – Giám đốc kinh doanh tại Alltech Trung Quốc cho biết. Theo chuyên gia này, sản lượng cá chim vây vàng từ năm 2020 đến 2021 tăng vọt tại Trung Quốc, vượt qua sản lượng nhiều loài cá khác như vược biển từng thống trị thị trường trước đó.

Lợi nhuận của cá chim vây vàng cao hơn các loài cá truyền thống khác như vược biển bởi thị trường cá vược gặp nhiều biến động và giá cả thất thường khiến lợi nhuận ngày càng thu hẹp. Theo ông Zhang, giá cá vược tại Trung Quốc là 11 CNY/500gram với chi phí sản xuất khoảng 8 CNY vào năm 2021. Trong khi đó, chi phí sản xuất cá chim vây vàng là 11 CNY nhưng giá bán lên tới 15 CNY/500 gram.

Nhìn chung, ngành nuôi biển của Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây. Sự tăng trưởng này cũng cho thấy xu hướng nuôi biển đang thịnh hành. Nhiều mô hình nuôi biển cùng phương pháp cải tiến mới đã ra đời, điển hình là lồng nuôi biển quy mô lớn ở những vùng nước sâu ngoài khơi; hoặc mô hình tàu nuôi cá thông minh.

Mặc dù vậy, ngành nuôi biển của Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn về nghiên cứu di truyền, các phương pháp nuôi chưa hiệu quả về năng suất, và ô nhiễm môi trường. Do đó, tương lai của ngành nuôi biển Trung Quốc cần đi theo chiến lược định hướng thị trường, chú trọng xác định nhu cầu của người tiêu dùng, thay vì chú trọng tăng sản lượng.

Ngành nuôi biển của Đài Loan cũng đang áp dụng công nghệ bền vững để mở rộng sản xuất, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sản lượng cá nhụ bốn râu – đối tượng nuôi biển chủ lực của Đài Loan đạt 13.000 tấn vào năm 2022, trị giá 97,8 triệu USD. Để khơi thông thị trường cá biển, Đài Loan đang tìm cách tạo sự khác biệt cho sản phẩm thông qua chứng nhận quốc tế, mô hình bền vững và thức ăn mới.

Vũ Đức
(Theo GlobalSeafood)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *