Xuất khẩu tôm hướng thẳng mục tiêu 4 tỷ USD
Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT 7 tháng đầu năm 2024 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta ước đạt 5,29 tỷ USD. So cùng kỳ năm trước, xuất khẩu nhóm hàng này tăng 7,3%, đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong đó, riêng xuất khẩu tôm thu về 2 tỷ USD, tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong ngành thủy sản. Hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất thế giới, chiếm 13 – 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu. Con tôm của Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhiều tín hiệu tích cực
Giá TTCT (sản phẩm tôm chiếm tỷ trọng cao nhất của nước ta) sang một số thị trường đang có xu hướng tăng trở lại. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình TTCT sang Trung Quốc tăng 3,1% so tháng trước, lên 6,5 USD/kg; sang Mỹ tăng 2%, ở mức 10,2 USD/kg; sang Nhật Bản tăng 3,4% lên 8,8 USD/kg…
Trong nửa đầu năm nay, các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… tiếp tục chi lượng tiền lớn mua tôm Việt Nam, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng duy trì mức tăng trưởng dương.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) đạt 328 triệu USD, tăng mạnh 17% so cùng kỳ năm trước. Trong top 5 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của nước ta, Trung Quốc là thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc – khách hàng lớn nhất của con tôm hùm Việt Nam đã tăng mua mạnh, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu loại “hải sản nhà giàu” này tăng đột biến 57 lần so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao. Vì vậy, tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, TTCT nguyên con.
Đối với thị trường Nhật Bản, mặc dù xuất khẩu tôm sang quốc gia này chỉ đạt 229 triệu USD, giảm 3%. Tuy nhiên, sản phẩm giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm.
Thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu đạt 217 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với thị trường EU, sau quý I/2024 xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng trưởng tốt. Tháng 6, xuất khẩu tôm sang EU đạt 52 triệu USD, tăng 31%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 217 triệu USD, tăng 13%. Những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tiếp tục tăng.
Khó khăn
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực song ngành tôm Việt Nam đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, giá tôm xuất khẩu sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ. Thứ hai, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu tôm trong nửa cuối năm 2024.
“Giá xuất khẩu tôm sang các thị trường đang ở mức thấp, cạnh tranh lớn với Ecuador, Ấn Độ. Trong đó, mặc dù ngành tôm của Ecuador gặp nhiều khó khăn năm 2024 nhưng quốc gia này vẫn tăng xuất khẩu và tràn vào các thị trường, bao gồm Nhật Bản, Australia, EU. Hiện Ecuador đã có thị phần lớn tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc hay thậm chí là Ấn Độ. Bên cạnh đó, ngành tôm cũng đang đối mặt với vấn đề dịch bệnh, cụ thể là bệnh mờ đục trắng gan TPD”, bà Lê Hằng – Đại diện VASEP chia sẻ.
Trong khi đó, Hội Thủy sản Việt Nam nhận định, chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao sẽ khiến Việt Nam gặp khó trong việc cạnh tranh về giá với các nước Ecudor và Ấn độ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức với xuất khẩu tôm.
Về phần mình, Cục Thủy sản cho rằng, giá thành sản xuất tôm tại Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).
Kỳ vọng
Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10 – 15% và dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD.
Sở dĩ có được dự báo khả quan trên, bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.
Các doanh nghiệp trong nước cũng đang tích cực mở rộng và tìm kiếm các thị trường mới, nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu giúp ngành tôm có thêm nhiều cơ hội để phát triển bền vững và ổn định hơn trong dài hạn.
Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong nuôi trồng và chế biến tôm cũng được chú trọng, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính.
Cảnh Nghi
Bình luận gần đây