Đặc điểm của loài cá Nhệch

Cá Nhệch là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon và bổ dưỡng. Ở Việt Nam cá phân bố ở các vùng biển từ Bắc đến Nam, chúng sống chui rúc trong các hang. Chúng có tên gọi phổ biến là cá Nhệch (miền Bắc) cá Lịch cu (miền Nam theo Mai Đình Yên, 1995).

 

Cá nhệch
Đặc điểm sinh thái:
           Subramanian, A. (1979) khi thí nghiệm về sức chịu đựng của cá Nhệch với biến đổi độ mặn thu được kết quả Cá Nhệch có thể sống ở độ mặn 70‰ và thay đổi đột ngột xuống độ mặn thấp 0 – 2‰ cá vẫn không bị ảnh hưởng. Hệ điều hoà áp xuất thẩm thấu ở loài cá này rất tốt do đó chúng có khả năng thích ứng với biên độ dao động độ mặn lớn.
Đặc điểm hình thái loài cá Nhệch
Cá Nhệch có cơ thể tương tự như loài Rắn có hình trụ, thon dài, màu xanh nâu oliu hoặc vàng sáng (McCosker. J. E and P. H. J. Castle., 1986). Cá nhệch không có vảy nhưng vây ngực phát triển, tia vây kém phát triển, vây lưng, vây bụng không phát triển và có dạng như gờ mỏng. Vây lưng bắt đầu từ cuối vây ngực phía sau mang kéo dài tới đuôi, vây bụng bắt đầu từ hậu môn kéo dài tới cuối đuôi. Trên da có lớp màng nhày, khó có thể bắt hay nắm giữ được cơ thể của chúng. Đầu hình nón, mũi nhô ra phía trước, mồm rộng và có thể há to, môi trên không rõ ràng. Răng dạng hạt, hàm trên có hàng răng nhỏ trải dài theo bề mặt bên xương hàm. Mắt nhỏ có đường kính nằm trong khoảng 1,05 – 2,2mm (Tilak and Kanji SK., 1969). Giác mạc mỏng, có tác dụng để bảo vệ mắt, Cá có mang rất nhỏ và hầu như kém phát triển, mang mở ra tạo cho đầu có  hình chữ V. Đường bên không rõ ràng xương sống chạy dài từ đầu đến đuôi có 171 – 173 đốt sống (Talwar, P.K. and A.G. Jhingran., 1991).
           Cá Nhệch có hộp sọ hình thon dài và nhỏ dần từ vùng tai cho đến phần chóp mũi, Xương sọ được cấu tạo rắn chắc bởi hộp xương cứng khoẻ và bởi sự liên kết trong xương hàm trên và giữa các xương thuộc vùng trán bởi phần mở rộng giữa các xương ổ mắt, bởi phần mũi rộng bởi các điểm liên kết và bởi sự chồng khít lên nhau giữa các xương gốc của phần hộp sọ.
          Vây đuôi biến mất hoàn toàn ở loài cá Nhệch (P. boro), trong các loài cá Nhệch kích thước của các cơ gấp phần lưng và bụng đều giảm. Sự kết hợp bên trong theo chiều dài cho phép các gốc của vây lưng có thể chuyển động riêng rẽ so với các gốc vây bụng (Subramanian, A. 1984).
Đặc điểm dinh dưỡng và tập tính bắt mồi:
        Thức ăn ưa thích nhất là giáp xác đặc biệt là cáy (Uca annulipes) và tôm cá nhỏ, Cá nhệch bắt mồi chủ động, chúng thường tìm đến hang của các loài giáp xác nhỏ, chui vào đó để bắt mồi (Atkinson RJA, Taylor AC. 1991). Subramanian, A., 1984 khi nghiên cứu về tính ăn của cá Nhệch cho rằng: cá Nhệch có đặc điểm cơ thể tương đối giống với loài rắn, chúng có ba hình thức ăn chủ yếu là: sự nuốt, sự giữ và sự quấn tròn để bắt và nắm giữ mồi tuỳ theo kích thước và độ cứng rắn của con mồi do đó mà nguồn thức ăn của chúng rất đa dạng bao gồm các loài ngoài tự nhiên như: tôm, cua, còng, cáy và các loài cá nhỏ, các loài giun … Cá Nhệch có khả năng sống trong nhiều tuần mà không cần sử dụng thức ăn  (Helfman GS, Clark JB., 1986).
          Cá Nhệch (Pisodonophis boro ) được tìm thấy ở các đầm phá và vùng cửa sông, đi vào vùng nước nông và có thể chui sâu vào các thuỷ vực nước nhạt nội địa thông thường chịu ảnh hưởng của thủy triều của các khúc sông và di cư ngược dòng gần tới những vùng thuộc ven bờ sông. Sống trong các lỗ ở đáy thuỷ vực và tích cực bắt các con cá  nhỏ vào ban đêm. Trong mùa khô, chúng thường đào hang, sâu xuống dưới bùn, do vậy chúng có khả năng sống trong một khoảng thời gian dài mà không cần tới nước (Sommer, C., W. Schneider and J.-M. Poutiers., 1996).
Sinh trưởng và sinh sản
Chưa có nghiên cứu về sinh trưởng của cá Nhệch. McCosker, J.E. và P.H.J. Castle., 1986 cho biết cá Nhệch (Pisodonophis boro) một năm tuổi thường có chiều dài khoảng 1m (khoảng 3 Feet), và cân nặng là 0,5kg.
          Những nghiên cứu về đặc điểm sinh sản của cá Nhệch còn rất ít, Rainboth, W.J (1996) khi điều tra về đa dạng sinh học vùng ven bờ cambodia phát hiện mùa mưa là mùa sinh sản của cá Nhệch. Chúng di cư từ vùng nước mặn vào vùng nước nông ven bờ để đẻ trứng, trứng được đẻ vào trong các tổ.

Sưu tầm

Bạn đọc có thể quan tâm

>>> Thủy sản nước lợ – Mặn


You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *