Đã qua thời “dễ ăn, dễ nuôi”

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Quản lý chặt giá vật tư đầu vào

Ngành cá tra năm 2012 trải qua nhiều khó khăn, đó là vấn đề đầu ra sản phẩm, giá thành thấp và liên tục giảm qua nhiều năm, tăng giá vật tư đầu vào… Cụ thể, mặc dù nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao tại một số thị trường dịp cuối năm, nhưng giá thu mua cá tại ĐBSCL vẫn giảm từ 500 – 700 đồng/kg so mức giá 20.500 – 21.700 đồng/kg đầu tháng 12/2012. Trong khi đó, giá thành sản xuất tăng cao, 23.000 – 24.000 đồng/kg khiến người nuôi bị lỗ 3.000 – 3.500 đồng/kg. Đặc biệt, giá thức ăn cho cá tra liên tục tăng tới 40% trong một năm qua, cùng đó là sự thiếu vốn và lãi suất ngân hàng cao trong thời gian dài. Theo đó, nhiều hộ đã nuôi cầm chừng hoặc quay lưng với nghề. Đồng Tháp, một trong những tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL với gần 1.000 ha, nhưng hiện có 30% diện tích nuôi đã bỏ trống. Thời điểm “dễ ăn, dễ nuôi” của cá tra đã qua, cả người dân và doanh nghiệp đều gặp khó.

Năm 2013, để ngành cá tra tìm được lối ra, rất cần sự phối hợp liên ngành: Ban Chỉ đạo cá tra ĐBSCL, Hội Nghề cá Việt Nam, Tổng cục Thủy sản, Chi cục thủy sản các tỉnh cần hỗ trợ người nuôi trong sản xuất; Nhà nước chỉ đạo ngân hàng giãn nợ cho người nuôi; tổ chức lại sản xuất, đảm bảo cung – cầu hợp lý; tạo nguồn thông tin thông suốt giữa các bên để người dân không phải chịu cảnh ép giá; quản lý giá đầu vào ổn định, không để tăng giá vô lý.

 

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP: Củng cố thị trường truyền thống

Năm 2012 đã khép lại với nhiều sóng gió cho ngành cá tra Việt Nam cũng là năm “hạn” của một số doanh nghiệp lớn trong ngành. Hiện, cá tra Việt Nam được xuất sang 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng so mức 136 thị trường trong năm 2011. Tuy nhiên, trong 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam, có tới 7 thị trường giảm mạnh, nhất là EU, Mỹ, Ảrập Xêút.

Năm 2013, các doanh nghiệp cá tra cần tập trung phục hồi và củng cố các thị trường truyền thống, đầu tư có trọng điểm, thay vì mở rộng thị trường như trước đây. Đồng thời phối hợp với việc chế biến và thu mua nguyên liệu hợp lý, từ đó sẽ góp phần điều chỉnh giá cá tra, tạo điều kiện cho xuất khẩu đạt hiệu quả. Giá trị cá tra năm nay được dự đoán không bằng năm 2012, nhưng đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp tập trung hoàn thiện vấn đề điều hòa vốn, tái sản xuất, kinh doanh, tạo lợi nhuận, phù hợp khả năng tài chính, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm của thị trường khó tính.

 

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản: Tuân thủ quy hoạch nuôi

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2012 diện tích nuôi cá tra cả nước 5.910 ha, sản lượng hơn 1,28 triệu tấn. Vấn đề quy hoạch sản xuất là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới con cá tra năm qua và trong năm 2013, đây vẫn là một vấn đề được quan tâm, xác định vùng nuôi theo hướng chuyên môn hóa, định hướng cụ thể diện tích nuôi cho từng vùng. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.

 Việt Nam được đánh giá là nước có môi trường tốt nhất Đông Nam Á về sản xuất cá tra, do đó cần quy hoạch vùng nuôi hợp lý, mở rộng mô hình nuôi theo VietGAP, đảm bảo an toàn môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Người nuôi và các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm quy hoạch nuôi, không phát triển nuôi ồ ạt, gây khó cho việc sản xuất và tiêu thụ, giảm giá thành sản phẩm.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, từ những tồn tại và hạn chế năm 2012, năm nay toàn ngành sẽ tập trung khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững. Sản xuất theo nhu cầu thị trường, kiểm soát chi phí đầu vào, diện tích vùng nuôi không quá 6.000 ha; điều tiết nguồn cung dự kiến sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm, đặc biệt chú trọng nâng cao giá trị xuất khẩu, phấn đấu cao hơn năm 2012. Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến để nuôi cá tra năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái theo cấp độ thích nghi khác nhau: Cấp độ 1 (tốt): gồm đất cù lao trên các sông lớn (sông Tiền và sông Hậu); Cấp độ 2 (khá): gồm đất ven sông lớn, cách bờ nhỏ hơn 500 m; Cấp độ 3 (trung bình): gồm đất ven các sông nhánh, cách bờ không quá 400 m. Xây dựng cơ sở chế biến thức ăn, chế phẩm sinh học và hệ thống dịch vụ gắn với yêu cầu phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, đảm bảo nghề nuôi, chế biến, tiêu thụ cá tra phát triển bền vững.

 

Ông Trần Văn Hùng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá: Quản lý nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp

Hùng Cá thuộc top 20 doanh nghiệp cá tra hàng đầu Việt Nam những năm qua, nhưng năm 2012 vẫn đầy khó khăn. Trước tình hình đó, doanh nghiệp đã có chiến lược hoạt động kinh doanh thích ứng những khó khăn từ thị trường, như giữ diện tích nuôi cá 70 – 85% phục vụ chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, để đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, cạnh tranh giá thành, Công ty sẽ đầu tư 300 tỷ đồng làm nhà máy chế biến thức ăn công suất 800 tấn/ngày; khi nhà máy hoạt động, doanh nghiệp sẽ không còn phải nhập 400 tấn thức ăn/ngày với giá cao.

Năm 2013, ngoài những khó khăn đã gặp trong năm 2012, người nuôi và các doanh nghiệp còn phải đối diện với bất lợi về sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp; việc sử dụng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất thế nào cho hiệu quả và đúng mục đích; nhiều nhà máy sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp. Do đó, các doanh nghiệp cần xác định rõ định hướng kinh doanh, tập trung hoàn thiện sản xuất, không mở rộng thị trường, hạn chế nhập khẩu thức ăn…

>> Năm 2013, cá tra tiếp tục được xác định là một trong 5 mặt hàng thủy sản chủ lực, song theo dự báo tình hình xuất khẩu cá tra sẽ còn khá ảm đạm. Nếu không có sự chuẩn bị và tháo gỡ khó khăn ngay từ bây giờ, tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục bị tụt hạng trong thời gian tới.  

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *