Bài toán chủ động nguồn nguyên liệu

Nhập khẩu tăng, doanh nghiệp lỗ

Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ gần 70 nước với giá trị gần 331 triệu USD và có xu hướng tăng mạnh trong 3 năm lại đây. Điều này gắn liền với thực tế đến nay đã có tới khoảng 30% doanh nghiệp phá sản, gần 50% doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, số người nuôi bỏ ao tăng nhiều…

Vẫn những lý do không mới: Chế biến xuất khẩu của nước ta còn phụ thuộc thế giới; giá cả thay đổi theo thị trường nên khi giá xuất khẩu tăng, các doanh nghiệp lại đua nhau xuất khẩu và tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để có hàng phục vụ gia công chế biến. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nội địa; dịch bệnh hoành hành; nguồn cá tra sản xuất chưa có quy hoạch, người nuôi gặp khó trong tìm vốn và đầu ra…

Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau, ông Trần Văn Của cho biết: Năm 2012, nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp trên toàn tỉnh vẫn chiếm số lượng lớn và có xu hướng tăng. Ngoài ra, hiện tượng treo ao vẫn xảy ra do không chủ động được nguồn nguyên liệu và tìm được phương pháp trị bệnh hiệu quả cho tôm.

Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu chế biến lớn nhất vẫn là tôm – Ảnh: An Đăng

Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu chế biến còn lớn, nhất là tôm. Thuế nhập khẩu làm tăng chi phí đầu vào, tăng giá sản phẩm xuất khẩu, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hiện nay bị thua lỗ, chỉ 3% có lợi nhuận. Năm nay, dự kiến chi phí đầu vào cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng khoảng 30%; kiến nghị của VASEP về nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp thủy sản vẫn chưa được giải quyết thì doanh nghiệp vẫn sẽ “kẹt”.

Trước đó, VASEP đã kiến nghị thí điểm mở rộng hạn mức tín dụng cho 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu. Những doanh nghiệp này đang chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu, có vùng nuôi nên tự chủ được nguyên liệu, nhưng vẫn không khỏi nao núng trong việc tìm nguồn vốn để duy trì việc trên.

 

Chủ động tìm nguyên liệu

Theo ông Của, nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng tới quá trình xuất khẩu của doanh nghiệp. Để chủ động sản xuất, vấn đề quan trọng là phải chủ động được nguồn nguyên liệu ngay từ đầu vào. Quy mô và mức độ sản xuất liên tục tăng; vì vậy quy hoạch vùng nuôi gắn với diện tích thực của từng vùng, dựa trên phân tích số lượng tiềm năng của từng khu vực.

Đặc biệt, hiện nay vấn đề dịch bệnh trên tôm cần phải được giải quyết triệt để, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương tích cực tìm ra những giải pháp điều trị bệnh cho tôm để đảm bảo chất lượng và số lượng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi chờ kết luận cụ thể, các địa phương vẫn tự sử dụng phương pháp nuôi và kinh nghiệm phù hợp địa bàn của mình.

Trong khi đó, để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu năm nay, nhiều công ty vừa tiến hành tìm kiếm thị trường nhập khẩu, vừa giữ nguồn hàng và chủ động tìm kiếm nguyên liệu tại Indonesia, Ấn Độ… Về lâu dài, theo nhiều công ty xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau, cần gắn kết chặt chẽ với ngư dân, thành lập ở mỗi vùng nguyên liệu những nhà cung cấp bền vững làm đối tác chặt chẽ; doanh nghiệp phải chủ động cam kết bao tiêu, hỗ trợ giá cho người nuôi.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp: Khu vực ĐBSCL và cả nước nên đa dạng hóa lĩnh vực chế biến, tránh độc canh, phụ thuộc hoàn toàn vào con tôm, để chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu cá – tôm luôn kéo dài.

Trong khi vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT cho áp dụng thuế nhập khẩu nguyên liệu thống nhất bằng 1% cho nguyên liệu thuộc nhóm gồm tôm sú, tôm chân trắng, tôm biển, bạch tuộc, mực.

>> Xu hướng tăng nhập khẩu nguyên liệu vẫn gia tăng, có thể đạt 600.000 tấn, tương đương 1,4 tỷ USD vào năm 2015; đến năm 2020 dự kiến nhập 1 triệu tấn nguyên liệu, trị giá 2 – 2,2 tỷ USD. Mấu chốt vấn đề vẫn là gia tăng nguồn nguyên liệu trong nước.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *