Thay đổi cách bán cá tầm

Ngồi trên lửa

Ông Nguyễn Mạnh Thơm (chủ cơ sở chăn nuôi cá tầm tại xóm Kẹm, xã La Bằng, huyện Đại Từ) cho biết, cơ sở đã đầu tư nguồn vốn 3 tỷ đồng để tạo đường ống dẫn nước lạnh từ chân núi Tam Đảo về các bể có dung tích khoảng 1.000 mét khối. Với dung tích đó, cơ sở đã thả hơn 8.000 con cá tầm. Đến nay, số lượng cá tầm đạt trọng lượng từ 2,5 – 3 kg/con là 2.500 con. Số cá đạt trọng lượng từ 1,5 – 2 kg/con là 5.500 con…

Cá đến kỳ thu hoạch cũng như trồng cây đến ngày hái quả nhưng người thả cá chẳng thể vui. Theo ông Thơm, trước tình trạng nhập lậu của cá tầm Trung Quốc nên suốt từ đầu tháng tư đến nay, cơ sở của ông mới bán được khoảng 6 tạ cá.

Có sản phẩm mà không xuất được, mỗi ngày số lượng gần 20 tấn cá trong bể lại ngốn hết 1 tạ cám, tương đương với gần 6 triệu đồng. Ế ẩm mà chẳng thể bán chạy gỡ vốn, không khác nào ngồi trên lửa, chúng tôi mong Nhà nước khẩn trương có chính sách hỗ trợ về vốn hoặc bao tiêu sản phẩm mới mong thoát khỏi khó khăn hiện nay – ông Thơm nói.

Ông Vũ Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên) cho biết, ngoài việc ngăn chặn cá tầm nhập khẩu, Nhà nước cũng cần tính đến việc bảo trợ hàng trong nước. Về lâu dài, là địa phương có tiềm năng rất lớn đối với chăn nuôi cá tầm, ngành thủy sản Thái Nguyên sẽ tính đến việc quy hoạch để nghề nuôi cá tầm đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững.

Thay đổi cách bán hàng

Mặc cho các nguồn thông tin cá tầm nhập lậu làm giá sụt giảm, cơ sở nuôi cá tầm của ông Trần Ngọc Phúc (ngay bên cạnh cơ sở của ông Nguyễn Mạnh Thơm thuộc xóm Kẹm, xã La Bằng, huyện Đại Từ) vẫn bán được giá từ 200 đến 250 ngàn đồng/kg.

Ông Phúc cho rằng, dù chưa kiểm chứng cá tầm Trung Quốc có chất lượng như thế nào nhưng chắc chắn, người Việt Nam sẽ tẩy chay sản phẩm nhập lậu. Vậy thì người cung ứng phải làm thế nào để đảm bảo cho một số lượng lớn nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay tin tưởng và khẳng định sản phẩm cá tầm đó là do hộ chăn nuôi tại Việt Nam sản xuất.

Trước tín hiệu kìm giá của các nhà hàng lớn chuyên đặt mua cá tại cơ sở của mình, ông Phúc đã chuyển hướng bằng cách bán hàng tại chỗ. Xuất phát điểm là suối nước lạnh từ rừng Tam Đảo chảy về, ông Phúc cho dựng một ngôi nhà sàn bên bờ suối để đón tiếp và phục vụ ăn uống tại chỗ cho các đoàn khách du lịch sinh thái.

Chỉ trong mấy ngày nghỉ 30/4, 1/5 vừa qua, cơ sở của ông đã làm 20 mâm cơm với sản lượng tiêu thụ gần 50 kg cá tầm. Ông Phúc cho biết, ban đầu chủ yếu là khách tại xã và huyện, nay đã có nhiều đoàn khách của cả cơ quan lẫn gia đình từ thành phố và các huyện khác về “khu du lịch” của ông. Qua đó, cũng đã có thêm nhiều đơn đặt hàng của người tiêu dùng.

“Cái khó ló cái khôn”, ông Nguyễn Tất Đắc là chủ cơ sở nuôi cá tầm tại xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai) cho biết, khi việc bán cá gặp khó, ông chủ động tìm nguồn bằng cách liên hệ với các cơ quan công sở để cung ứng hàng với số lượng lớn phục vụ hội nghị, tiệc cưới…

Ngoài ra, về phương pháp chăn nuôi, với tổng số các bể cá có dung tích 1.000 mét khối, cơ sở đã thả cá rải ra nhiều lứa để tránh tình trạng thu hoạch dồn dập sẽ dẫn tới ứ đọng sản phẩm. Là người từng thực hiện nhiều dự án về phát triển chăn nuôi thủy sản cho Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, theo ông Đắc thì nhiều khả năng thịt cá tầm của Trung Quốc sẽ tồn dư chất tăng trọng lớn.

Vấn đề là chất tăng trọng đó có tỷ lệ bao nhiêu, ảnh hưởng như thế nào đối với người tiêu dùng thì các cơ quan chức năng cần sớm có câu trả lời.

>> Qua thực tế tiếp thị và bán hàng của cơ sở, ông Đắc khẳng định, điều cốt lõi là người dân Việt Nam nào cũng muốn dùng cá tầm Việt Nam. Nếu các chủ hộ chăn nuôi uy tín cũng như người sử dụng tìm được tiếng nói chung thì cá tầm nhập lậu sẽ không có chỗ đứng trên thị trường.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *