Vẫn chuyện thiếu quy hoạch
Một điển hình
Sở TN&MT Bạc Liêu vừa đình chỉ hoạt động chế biến đầu vỏ tôm của Công ty TNHH Anh Tuấn (Công ty Anh Tuấn) ở ấp 12, xã Vĩnh Hậu A (Hòa Bình, Bạc Liêu) vì gây ô nhiễm môi trường nuôi tôm. Thanh tra môi trường, Cảnh sát Môi trường và chính quyền huyện Hòa Bình đã lập biên bản vi phạm môi trường với Công ty Anh Tuấn, đình chỉ nhập nguyên liệu và chuyển đi nơi khác hàng tồn kho để xử lý môi trường.
Công ty Anh Tuấn được xây dựng bên kênh 9, đường nước phục vụ nuôi tôm khoảng 3.200 ha. Quá trình chế biến đầu vỏ tôm, Công ty đã xả nước thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường làm cá, tôm chết. Ông Phan Tuấn Khải, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, cho biết: đã lập đến 7 biên bản vi phạm môi trường. Thanh tra Sở TN&MT Bạc Liêu đã nhiều lần lập biên bản, lấy mẫu nước thải phân tích và yêu cầu Công ty Anh Tuấn khắc phục nhưng Công ty không chấp hành hoặc chấp hành chiếu lệ.
Công ty TNHH Anh Tuấn xây dựng và xả thải đầu kênh thủy lợi nuôi tôm công nghiệp Vĩnh Hậu A – Ảnh: Tiến Hưng
Ông Lại Văn Tích, tổ trưởng HTX nuôi thủy sản kết hợp trồng rừng Tấn Phát (xã Vĩnh Hậu A) bức xúc: “Người dân nhiều lần bắt quả tang Công ty Anh Tuấn xả nước thải ra môi trường làm cá, tôm chết; nhưng sau đó tình hình vẫn không được cải thiện”. Phó chủ tịch UBND huyện Hàn Ái Lực khẳng định: “Chúng tôi thống nhất với Thanh tra Sở TN&MT, Cảnh sát Môi trường tỉnh Bạc Liêu đề nghị rút giấy phép đối với Công ty Anh Tuấn”.
Rào cản
Ngày 18/4/2013, Mexico đã quyết định tạm đình chỉ nhập khẩu tôm từ Việt Nam (đồng thời còn với cả Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan) do “Hội chứng tôm chết sớm – EMS”. Hội chứng này do hoại tử gan tụỵ, năm nay đã cơ bản kiểm soát được nhưng theo Bộ NN&PTNT, cũng còn 9.123 ha bị dịch bệnh, bằng 26,23% so cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân chính do một loại virus; nhưng virus có cơ hội bùng phát lan rộng cũng do ô nhiễm môi trường.
Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn quy định nghiêm ngặt về dư lượng Ethoxyquin, Trifluralin (tỷ lệ 0,001 ppm) rất thấp so với quy định chung của các nước. Thị trường Mỹ, Bộ Thương mại nước này (DOC) đã áp thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam với phán quyết hành chính lần thứ 2 (POR2) thì ngày 28/2/2012, Liên minh các nhà chế biến tôm Mỹ lại đệ đơn kiện lên DOC yêu cầu điều tra áp thuế chống trợ cấp với “tôm nước ấm đông lạnh” của Việt Nam (cùng 6 nước khác).
Sau POR2, Chính phủ Việt Nam đã đưa vụ này ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và Ban Hội thẩm WTO đã đưa ra phán quyết ủng hộ Việt Nam, thực thi trong 10 tháng. Ngày 20/12/2012, Việt Nam gửi yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm nhằm đạt mục tiêu toàn bộ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn của nước ta thoát khỏi Lệnh áp thuế chống bán giá của Mỹ từ năm 2005. Ngày 27/2/2013, Ban Hội thẩm đã được thành lập. Còn vụ kiện trợ cấp tôm, tháng 1/2013, Bộ Công thương nước ta có thư phản đối gửi Quyền Bộ trưởng DOC, đến ngày 29/5/2013, DOC ban hành quyết định sơ bộ loại bỏ 18 chương trình, chính sách bị cáo buộc là trợ cấp. Theo đó, mức thuế sơ bộ với các công ty xuất khẩu tôm nước ta thấp hơn mức 12% nguyên đơn đưa ra.
Tuy nhiên, mức sơ bộ do DOC đưa ra cũng còn cao, đến 6,07%. Phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào giữa tháng 8 tới. Bộ NN&PTNT nhận định “nhiều khả năng tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ cùng lúc chịu hai loại thuế, thuế chống bán giá và thuế chống trợ cấp”.
Cơ hội
Bộ Công thương cho biết, đến hết tháng 6/2013, xuất khẩu tôm đạt 1,088 tỷ USD, tăng 7,17% so cùng kỳ năm 2012. Còn theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi tôm 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng 92,4% cùng kỳ năm 2012 nhưng sản lượng bằng 103% (đạt khoảng 100.000 tấn). Giá tôm nguyên liệu tăng gần 10%.
Dù có nhiều rào cản ở nhiều thị trường nhưng tôm xuất khẩu Việt Nam vẫn đang có cơ hội tăng sản lượng và được giá, vì các nước trong khu vực đang gặp bất lợi về dịch bệnh. Nước cung ứng tôm số 1 thế giới là Thái Lan, bị giảm sản lượng gần 50% do dịch bệnh khiến nguồn cung tôm của thế giới giảm.
Tuy nhiên, nắm bắt được cơ hội hay không còn đòi hỏi nhiều nỗ lực. Một điểm yếu dễ thấy là các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé, hay cạnh tranh “chơi xấu” nhau. Theo Bộ NN&PTNT, có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu tôm, trong đó 40 doanh nghiệp hàng đầu chiếm khoảng 80% doanh số, thì tính trung bình mỗi doanh nghiệp cũng chỉ xuất được chừng 3 triệu USD/tháng.
Nhưng vấn đề gay gắt nhất, trước mắt cũng như lâu dài, là quy hoạch và kế hoạch phát triển. Bộ NN&PTNT trong báo cáo ngày 5/7/2013 đặt ra giải pháp lâu dài để phát triển bền vững con tôm: “Quy hoạch vùng sản xuất tôm nước lợ tập trung các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau); tứ giác long Xuyên (Kiên Giang); ven biển Bến Tre, Trà Vinh”.
Nếu có nhiều nỗ lực đúng hướng, Bộ Công thương dự báo, kim ngạch tôm xuất khẩu cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 2,1 tỷ USD, giảm 5% so năm 2012.
>> Trong quy hoạch nuôi tôm, ưu tiên đầu tư hạ tầng, thủy lợi, xây dựng mạng lưới quan trắc cảnh báo nuôi trồng phòng chống dịch bệnh. Từ những căn bản đó, hình thành chuỗi sản xuất chế biến tiêu thụ gắn kết chặt chẽ hơn giữa người nuôi với doanh nghiệp. |
Bình luận gần đây