Quyết đòi lại công bằng cho tôm Việt Nam

Vô lý

Theo phán quyết mới của DOC, giai đoạn rà soát POR8 từ ngày 1/2/2012 – 31/1/2013, có 32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá giá. Trong đó, hai bị đơn bắt buộc là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế chống bán phá giá 4,98% và Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) chịu mức thuế cao nhất 9,75%. Mức thuế suất bình quân 6,37% được áp dụng cho khoảng 30 nhà xuất khẩu khác không được chọn làm bị đơn bắt buộc. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn 1 tháng để khiếu nại quyết định này lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ.

32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp thuế theo POR8 – Ảnh: Huy Hùng

Một số luật sư tại Việt Nam cho biết, trong đợt rà soát này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã cố gắng chứng minh nhằm hạ thấp mức thuế suất, kể cả việc thuyết phục DOC nên sử dụng giá trị thay thế của Indonesia thay vì Bangladesh và yêu cầu DOC không thay đổi phương pháp tính toán theo như kết quả sơ bộ sử dụng. Tuy nhiên, DOC vẫn theo đuổi cùng phương pháp tính của kết quả sơ bộ nên đã giữ nguyên trong kết quả cuối cùng của đợt rà soát lần 8 này.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết: Mỹ chiếm thị phần khá lớn trong các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam. Do đó, việc Mỹ đưa ra quyết định như vậy sẽ làm giảm sức cạnh tranh, gây thiệt hại cho ngành tôm Việt Nam.

 

Tiếp tục theo kiện

Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sáng 29/9, đại diện 31/32 doanh nghiệp phải chịu thuế chống bán phá giá đã có cuộc họp trao đổi ý kiến trước thông tin trên. Tất cả đều đồng ý với việc sẽ thống nhất phản kháng quyết định của DOC và sẽ đệ trình đơn lên WTO. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ phản đối sự vô lý của DOC khi sử dụng phương pháp tính toán riêng biệt đối với Việt Nam. Hơn nữa, việc Mỹ đưa thủy sản, trong đó có tôm vào đối tượng bị bán phá giá là không đúng bởi những đánh giá này dựa vào căn cứ nào, biên độ phá giá ra sao? Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ khẩn trương theo vụ kiện và cũng chuẩn bị những lập luận mới cho đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9).

Cũng theo lãnh đạo VASEP, bên cạnh theo đuổi vụ kiện, các doanh nghiệp cũng nên có những biện pháp mở rộng thị trường, hạn chế lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Hiện nay, thị trường Nga cũng đang mở ra nhiều hứa hẹn, tiềm năng. Nếu các doanh nghiệp tiếp cận được thị trường này sẽ rất tốt cho chính doanh nghiệp và ngành tôm..

>> Giai đoạn rà soát lần thứ 8 của Bộ Thương mại Mỹ diễn ra từ 1/2/2012 đến 31/1/2013, Việt Nam có 32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm chịu thuế chống bán phá giá, với mức thuế áp bình quân là 6,37%.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *