Cần thận trọng khi vào thị trường Nga
Cơ hội cho tất cả
Các biện pháp trừng phạt thương mại giữa Nga, Mỹ, EU đã khiến thị trường bắt đầu biến động. Thị trường Nga thiếu hụt hàng trầm trọng, nhất là thủy sản, giá cả cũng nhảy vọt. Bất kể nhà cung cấp thủy sản nào không nằm trong lệnh cấm cũng nhìn ra “miếng bánh béo bở” từ thị trường này. Các nhà cung cấp thủy sản Chilê rất nhanh chân khi bỏ ngỏ thị trường cá hồi Mỹ, chuyển hướng sang Nga để lấp chỗ trống của nhà cung cấp cá hồi Na Uy. Việc đánh đổi thị trường này hoàn toàn xứng đáng, bởi Nga là thị trường rộng lớn, sức tiêu thụ mạnh hơn nhiều so với Mỹ. Cũng nhân cơ hội đó, giá cá hồi Chilê đã nhích lên, nhiều lô hàng phải vận chuyển bằng máy bay để làm dịu cơn “khát” của thị trường Nga. Ecuador, Peru cũng đang hy vọng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ tôm tại Nga, do Nga đang thiếu hụt tôm nước lạnh nhập khẩu từ Canada và Mỹ.
Bên cạnh đó, hàng loạt nhà cung cấp khác ở châu Á cũng không bỏ qua cơ hội mở rộng thị trường. Thái Lan đang hy vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàngsang Nga, nhất là thủy sản. Bộ Thương mại Thái Lan cũng đang nỗ lực thương lượng với Bộ Phát triển kinh tế Nga, yêu cầu Nga tạo điều kiện nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ Thái Lan. Bangladesh cũng đang thăm dò thị trường Nga, không bỏ lỡ cơ hội cung cấp mặt hàng tôm sang thị trường này khi nhanh chóng gửi danh sách gồm 14 nhà chế biến tôm đạt chuẩn sang Nga, hy vọng sự chấp thuận của VPSS.
Cá tra Việt Nam đang có cơ hội rất lớn tại thị trường Nga – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Việt Namliệu có lợi thế?
Trong khi nhiều nhà cung cấp thủy sản trên thế giới dồn hướng tấn công sang Nga, thủy sản Việt Nam cũng có lợi thế riêng, với mặt hàng cá tra, basa có khả năng lớn thay thế cá thịt trắng đang thiếu hụt trên thị trường Nga. Theo Tam Tam Group, công ty phân phối cá tra, basa Việt Nam tạiNga, việc kinh doanh cá tra, basa tại Nga đang nhiều triển vọng. Alexander Tamtam, Giám đốc Tam Tam Group, phát biểu tại Triển lãm thủy sản thế giới nhận định, cá tra, basa sẽ được hưởng lợi rất nhiều, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan được ký kết vào cuối năm nay. Tập đoàn này cho rằng, 2015 sẽ là năm tươi sáng với cá tra, basa và nhiều mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam tại thị trường Nga.
Tại Hội thảo xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam – Liên bang Nga, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Trung tâm văn hóa thương mại đa chức năng, khách sạn Hà Nội Mátxcơva (Incentra) đã được thành lập tại Mátxcơva với mục đích hỗ trợ kết nối giao thương Việt – Nga, quảng bá sản phẩm, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Nga.Trung tâm này sẽ hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp thông qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), giúp doanh nghiệp Việt có tư cách pháp nhân chính thức tại Nga. Incentra sẽ bổ sung hạ tầng phân phối riêng cho các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam kinh doanh hợp pháp, lâu dài tại Mátxcơva.
Các mặt hàng thủy sản Việt Nam rất hút khách tại Hội chợ Thủy sản Nga diễn ra từ ngày 15 đến 17/9/2014 ở Mátxcơva. Các nhà nhập khẩu Nga cho biết, giá bán các mặt hàng thực phẩm tại Nga đã vượt 10 – 15% trong hai tháng qua. Do đó, nhà nhập khẩu Nga đang tập trung tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam (tôm, cá tra, hải sản).
Vẫn cần thận trọng
Đòn trả đũa trừng phạt giữa Nga, Mỹ và EU mang lại nhiều hệ lụy cho cả đôi bên, và vô tình tạo ra mối nguy tiềm ẩn cho những doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga. Theo Ngân hàng Hà Lan (ING), việc Nga từ chối hàng hóa của EU, Mỹ đã khiến nhiều công ty của nước này không thể tiếp cận nguồn tài chính phương Tây (hạn mức tín dụng dài hạn). Việc chọn bạn hàng cũng phải hết sức thận trọng, bởi nhiều công ty Nga đang thiếu vốn và không có khả năng thanh toán.
Bên cạnh đó, Nga không phải thị trường dễ tính. Khi mở cửa trở lại cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nga đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe hơn, để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn thực phẩm do Hội đồng liên minh hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan quy định. VPSS quy định không kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Hải quan nhưng tần suất kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm phải đảm bảo độ tin cậy và kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Khối lượng mạ băng của sản phẩm từ cá không được vượt quá 5% khối lượng tịnh, từ động vật giáp xác không được vượt quá 7% và từ động vật thân mềm không được vượt quá 8%. Giới hạn mặc định để xử lý lô hàng vi phạm đối với Oxytetracyclinelà 10 ppb và mức để xử lý lô hàng vi phạm đối với Malachite Green/Leuco Malachite Green là 1 ppb (theo giới hạn phát hiện – LOD của Trung tâm kiểm nghiệm quốc gia toàn Nga về chất lượng và tiêu chuẩn thuốc thú y, thức ăn – VGNKI).
Mặt khác, quy trình cấp phép phức tạp, tốn thời gian, công sức đã làm nản lòng nhiều doanh nghiệp Việt Nam có ý định thâm nhập thị trường này. Do đó, để vững chân tại thị trường Nga, nhiều chuyên gia nhận định, cần hơn nữa sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, kể cả ở những cấp cao hơn, trong việc tăng cường trao đổi, thương lượng với phía bạn, nhằm có tác động mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu vào thị trường này.
>> Với dân số 200 triệu, kim ngạch nhập khẩu nông sản 10 tỷ USD/năm, Nga sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho hàng nông sản Việt Nam. Đặc biệt năm 2015, các mặt hàng thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào Nga sẽ hưởng thuế suất 0% khi hiệp định FTA có hiệu lực. |
Bình luận gần đây