Nhộn nhịp làng cá khô Bình Thắng

Cách biển khoảng 5 km và thuộc khu vực cửa sông Tiền, làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng có diện tích 120 ha với 307 hộ dân có truyền thống trên 50 năm, mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn cá khô các loại, góp phần giải quyết công việc cho hàng nghìn lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ông Đào Văn Lộc – Chủ tịch UBND xã Bình Thắng cho biết: Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng là làng nghề lớn nhất tỉnh Bến Tre, ngoài chế biến khô tẩm ướp, thì tôm khô cũng là mặt hàng chủ lực ở đây, với lợi thế có cảng cá Bình Đại rất gần với khu vực sản xuất cá khô, nên lượng thủy sản đánh bắt tươi của các tàu ra vào cảng quanh năm là nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các làng nghề sản xuất chế biến thủy sản khô. “Sản lượng nguyên liệu cá tươi để chế biến thủy sản khô trên 9.000 tấn/năm, sản phẩm cá khô 2.200 tấn/năm, doanh số 220 tỷ đồng/năm. Từ đầu năm đến nay, khô sản xuất được thị trường tiêu thụ khá ổn định, phần lớn hộ dân sản xuất khô đều có lãi, mức trung bình 70 triệu đồng/năm. 

Một góc làng chế biến cá khô Bình Thắng

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, thị trường tiêu thụ khô tẩm ướp sôi động hơn lúc nào hết. Trời vừa hửng nắng, ở Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng không khí lao động rất khẩn trương. Các hộ dân làng nghề tất bật xử lý cá nguyên liệu để phơi kịp nắng, chuẩn bị nguồn cá khô phục vụ thị trường. Cơ sở của bà Võ Thị Việt Đức ở ấp 1 sản xuất thường xuyên từ 6 – 7 loại khô tẩm ướp với giá bán từ 100.000 – 300.000 đồng/kg. Theo bà Đức, nhiều năm gắn bó với nghề làm khô, sống được với nghề do bà luôn quan tâm đến uy tín, chất lượng sản phẩm, không chạy theo số lượng mà bán cho người tiêu dùng sản phẩm kém chất lượng. 

Thời gian, môi trường tại làng nghề bị ô nhiễm do sản xuất theo quy mô hộ gia đình, hệ thống thu gom, xử lý chất thải chưa được đầu tư nước thải xả trực tiếp ra kênh rạch. Theo ông Trần Tấn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết: UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng. “Dự án được triển khai trên tổng diện tích gần 5.500 m2, tập trung vào thu gom, xử lý nước thải với quy mô 9.000 m3/tháng đạt tiêu chuẩn về môi trường; xây dựng hệ thống chôn lấp rác thải, hệ thống cống thoát nước để cải tạo rạch Bà Khoai đang bị ô nhiễm nghiêm trọng; đồng thời tập trung nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường,với tổng mức vốn đầu tư hơn 77,6 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường (giai đoạn 2012 – 2015)”, ông Công nói. 

>> Vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre đã ra quyết định thành lập Làng nghề truyền thống chế biến cá khô xã Bình Thắng, Cục Sở hữu Trí tuệ đã có quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá khô Bình Thắng được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể (ngày 26/8/2013)

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *