Chạy đua giá bán tôm

Bất ổn

Năm 2013, khi tôm Thái Lan suy yếu vì đại dịch EMS, ngành tôm của nhiều nước khác lại phát triển hơn như Ecuador, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ. Năm 2013, Indonesia sản xuất 376.000 tấn tôm, tăng 57% so với năm 2012; Việt Nam cũng thu hoạch 256.000 tấn tôm, tăng 126.000 tấn so với năm trước. Ấn Độ đã chuyển từ tôm sú sang TTCT, sản lượng tăng từ 136.000 tấn lên 211.000 tấn, tương đương 55%. Sản lượng tôm Ecuador năm 2013 cũng tăng 23.000 tấn, từ 281.000 tấn lên 304.000 tấn. Điều này tạo ra một làn sóng mua vào với số lượng lớn, đặc biệt ở các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Khi tình trạng mua vào diễn ra trên toàn thế giới, giá tôm năm 2013 từ các nguồn cung chính như Ấn Độ, Ecuador tăng đáng kể. Chỉ trong thời gian ngắn, sự thiếu hụt nguồn cung tôm Thái Lan đã dẫn tới đường cầu của những thị trường khác dịch chuyển mạnh lên trên.

 

Giá biến động

Sự khác biệt giữa thị trường giao ngay mặt hàng tôm Mỹ với các thị trường khác cũng tác động lớn tới xu hướng xuất khẩu tôm của những nguồn cung hàng đầu thế giới. Năm 2012 được coi là điểm mốc đánh dấu cuộc chạy đua tích trữ mặt hàng tôm của những nhà nhập khẩu Mỹ. Theo thời báo Wall Street, tháng 7/2012, thông tin dịch EMS tàn phá ngành tôm châu Á và khả năng gây ra sự thiếu hụt tôm trên toàn cầu đã làm các hãng nhập khẩu tôm Mỹ đổ xô nhập hàng. Điều này dẫn tới sự ứ đọng hàng hóa tại thị trường Mỹ, thị trường bán buôn bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt và chững lại.

Thị trường tôm ngày càng cạnh tranh khốc liệt – Ảnh: Paul Goyetle

Tháng 4/2015, Mỹ bắt đầu nhập hàng trở lại, thị trường tôm bớt ảm đạm. Nhưng trong lúc ấy, cuộc cạnh tranh miếng bánh thị trường lại diễn ra khốc liệt giữa các nước xuất khẩu. Ecuador đã tìm được điểm đến tiềm năng hơn thị trường Mỹ và EU là châu Á. Nhưng Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam hay Malaysia vẫn loay hoay tại thị trường Mỹ hay châu Âu. Khi đồng euro mất giá so với đồng USD, các nước xuất khẩu tôm đổ xô vào thị trường Mỹ, tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu tại thị trường này bắt đầu ép giá.

 

Cạnh tranh khốc liệt

Indonesia và Ấn Độ đã giảm giá bán tôm khoảng 20% nhưng vẫn có lãi nhờ chính sách linh hoạt và thả nổi tỷ giá tùy theo biến động thị trường. Ấn Độ đang từng bước quy hoạch, quản lý quy hoạch nuôi tôm, kiên quyết đóng cửa các trại nuôi tôm không được phép sử dụng hoặc giấy phép đã hết hạn nhằm kiểm soát tốt nuôi tôm, tránh hiện tượng khủng hoảng thừa hoặc thiếu nguyên liệu, giảm nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Các thị trường Nhật Bản, châu Âu cũng bắt đầu chuyển hướng sang nhập khẩu tôm Ấn Độ, Indonesia. Tuy nhiên, nếu tình trạng phá giá tiền tệ của Trung Quốc và Indonesia ngày càng gay gắt thì nhiều hãng xuất khẩu tôm, trong đó có Việt Nam sẽ tổn thất lớn. Riêng Indonesia đã phá giá tiền tệ tới 28%, khiến giá sản phẩm của nhiều nước xuất khẩu tôm trong khu vực không thể đuổi kịp.

Ngành tôm Trung Quốc cũng đang gồng mình cạnh tranh trên thị trường tôm quốc tế do kỹ thuật nuôi tôm của các nước đối thủ cạnh tranh ngày càng tiên tiến, chi phí thức ăn thấp. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi các công ty xuất khẩu nghiên cứu kỹ thị trường, không coi nhẹ các thông số kỹ thuật với hàng hóa nhập khẩu của các thị trường lớn và có chiến lược bảo hộ tiền tệ.

Theo Angel Rubio, chất lượng tôm nhập khẩu vẫn đang gây tranh cãi. Mỹ đã trả về nhiều lô tôm của Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia… Do đó, trong bối cảnh phức tạp của thị trường tôm quốc tế như hiện nay, nếu không có những yếu tố thuận lợi giúp giảm giá thành, chắc chắn các nước xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi.

>> Theo Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC), đầu năm 2015, giá tôm Ấn Độ nhập khẩu vào Mỹ đã giảm từ 13 USD/kg còn 11 USD/kg, giá tôm Indonesia cũng hạ xuống 11 USD/kg từ tháng 2/2015. Trong khi giá tôm Việt Nam vẫn duy trì 13 USD/kg. Hiện, giá tôm Việt Nam đã giảm xuống mức trung bình 10 USD/kg nhưng vẫn không theo kịp giá tôm của các nước xuất khẩu khác đang ở mức dưới 10 USD/kg.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *