Nông nghiệp xuất siêu nhưng vẫn khó vui

Tính riêng trong tháng 8, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước 9,18 tỷ USD, giảm gần 7,7% so cùng kỳ 2014, giảm mạnh nhất ở các mặt hàng như cà phê (33,1%), cao su (10,2%) và gạo (13,1%). Về thủy sản, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 8 tháng đạt 4,13 tỷ USD, giảm 17,5% so cùng kỳ.

Nguyên nhân sụt giảm này được Bộ NN&PTNT đánh giá là do biến động tỷ giá, giá bán giảm do cạnh tranh với các nước, thời tiết bất lợi như hạn hán, dịch bệnh trên vật nuôi gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước…

Tuy nhiên, nghịch lý là từ đầu năm đến nay, tốc độ xuất khẩu nông, thủy sản có dấu hiệu chậm dần, kim ngạch sụt giảm đều đặn, nhưng giá trị nhập khẩu lại “leo thang từng tháng”. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 15,33 tỷ USD, tăng 7,9% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, 8 tháng đầu năm ngành nông nghiệp xuất siêu gần 4 tỷ USD.

Chế biến tôm xuất khẩu – Ảnh: An Đăng

Nông nghiệp Việt Nam vẫn xuất siêu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam xuất siêu không phải tín hiệu mừng. Trong khi Việt Nam đang phải nhập rất nhiều ở các khâu đầu vào trọng yếu như giống, thuốc, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi… Về vấn đề này, trong một lần trả lời báo chí cuối năm ngoái, ông Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, Việt Nam có làm được gì đâu mà không nhập?! Bao nhiêu năm nay vẫn thế. Cái gì thế giới không có mà Việt Nam làm hơn được thì làm, còn không thì tốt nhất là nhập, cũng nên tận dụng tài nguyên của thế giới. Với nông nghiệp Việt Nam, ông Quốc cho rằng, chuyện nhập khẩu là đương nhiên. Thành tích của nông nghiệp Việt Nam có được chính là do mở cửa nhập vào.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề lớn từ xuất khẩu do tác động tỷ giá; cạnh tranh chất lượng sản phẩm với các nước. Thị trường trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ hàng giá rẻ của nước ngoài.

Ra nước ngoài, sản phẩm của Việt Nam phải căng sức cạnh tranh để tìm chỗ đứng, nhưng ở trong nước, dường như sản phẩm nông nghiệp đang “giương cờ trắng” với hàng ngoại nhập. Rõ ràng nông sản, nông dân Việt Nam đang bất lợi trong thời kỳ tự do hóa. Chưa kể, giá các nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc thú y… vẫn tăng đều đặn đã khiến giá thành sản xuất đắt, trong khi giá thành phẩm bán rẻ khiến người nông dân điêu đứng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người nuôi trồng thủy sản mấy tháng đầu năm nay được mùa mà vẫn rơi nước mắt. Bởi tôm đến kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp làm ngơ, khiến giá cả giảm từng ngày. Đại diện một doanh nghiệp lý giải, trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp phải lo cho mình trước, kinh doanh phải đảm bảo lợi nhuận, giá xuất khẩu giảm thì chúng tôi phải tìm nguyên liệu đầu vào giá rẻ, đơn cử tôm nguyên liệu nhập khẩu về trong nước trừ hết phí vẫn rẻ hơn sản phẩm nuôi trong nước.

Một chuyên gia kinh tế nói rằng, khi các hiệp định thương mại đi vào thực thi, nông nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi vì nhiều mặt hàng xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%; tuy nhiên, chúng ta cũng phải mở cửa thị trường trong nước. Khi đó, người nông dân Việt Nam nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng sẽ làm thế nào để cạnh tranh?

>> Ngành nông nghiệp nửa đầu năm qua đã tăng trưởng chậm lại. GDP của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2,16%, thấp hơn mức 2,96% cùng kỳ năm 2014.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *