Tôm Thái Lan phục hồi và chuyển hướng

“Người khổng lồ” tỉnh giấc

Thái Lan là nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới. Vị trí này sẽ không lung lay nếu đại dịch EMS không tàn phá và làm ngành tôm nước này suy kiệt. Năm ngoái, khi ngành tôm toàn thế giới có nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện bằng việc sản lượng gia tăng thì tới đầu năm nay, giá tôm liên tiếp lao dốc khiến thị trường tôm toàn cầu ảm đạm. Cả người nuôi và nhà xuất khẩu đều điêu đứng. Giữa cơn loạn lạc, ngành tôm Thái Lan vừa phải tìm cách khắc phục dịch bệnh, vừa phải tìm phương thức ổn định sản xuất và củng cố niềm tin cho nông dân nuôi tôm.

David Kawahigashi – một chuyên gia nuôi tôm thẻ chân trắng, người từng tổ chức nhiều khóa đào tạo nông dân nuôi tôm tại Đông Nam Á vừa hoàn thành một cuộc khảo sát tại Thái Lan và khẳng định ngành tôm Thái Lan sẽ phục hồi nhưng theo cách thức riêng – khả năng này dường như vượt tầm với của nhiều quốc gia cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn tương tự Thái Lan. Theo Kawahigashi, các trại nuôi tôm từng kiệt quệ vì dịch bệnh EMS/APHNS hiện có thể đạt sản lượng thu hoạch tương đối lớn, 30 – 40 tấn/ha, tôm sống 80 – 90%. Người nuôi tôm Thái Lan đã lấy lại được niềm tin, đó mới là thứ quý nhất.

Tôm thái lan phục hồi và chuyển hướng

Tôm nguyên liệu Thái Lan được thương lái thu mua – Nguồn: 8bam

Trước đó, hãng thủy sản đông lạnh Thai Union đưa ra dự báo khiêm tốn về sản lượng tôm Thái Lan năm nay là 250.000 tấn, cao hơn năm ngoái 35.000 tấn. Nếu tình hình khả quan hơn, sản lượng sẽ lên 285.000 tấn. Chính phủ Thái Lan cũng đang nỗ lực thúc đẩy sử dụng tôm bố mẹ bản gốc, tránh sử dụng bản sao từ các ao do tôm post từ tôm bố mẹ gốc cho năng suất tốt hơn 250% tính trên một đơn vị diện tích so với tôm post được sản xuất từ bố mẹ sao chép. Đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh EMS và các mầm bệnh tôm nói chung. Việc nhập khẩu các dòng tôm bố mẹ có khả năng kháng bệnh từ Mỹ Latinh đang được phê chuẩn, sẽ góp phần thúc đẩy sự phục hồi ngành tôm Thái Lan trong nay mai. 

 

Đích phát triển bền vững

Theo các chuyên gia phân tích kinh tế tại châu Á, 2016 sẽ là năm đánh dấu bước ngoặt ngành tôm Thái Lan. Ngành này sẽ phục hồi, nhưng không theo hướng đã đi trong năm 2015 là tập trung gia tăng sản lượng mà phục hồi dựa trên cơ sở thực hành nuôi kiểu mới. Dù khó quay lại mức sản lượng đỉnh cao 500.000 – 600.000 tấn/năm nhưng Thái Lan hy vọng chiến lược nuôi trồng kiểu mới sẽ đưa nước này trở thành khu vực sản xuất tôm bền vững và hiệu quả nhất trong vài năm tới.

Phải thay đổi cách thức quản lý ao nuôi và nguồn nước để cải thiện tình hình dịch bệnh, đó là quyết tâm cao của người nuôi tôm tại Thái Lan. Tới nay, nhiều trại nuôi trên toàn Thái Lan đã nhanh chóng áp dụng những thay đổi này. Người nông dân tin rằng họ phải duy trì được môi trường sạch bệnh ở đáy ao nuôi, nơi vi khuẩn APHNS tập trung nhiều nhất, thì mới có thể sản xuất tốt. Một chuyên gia ngành tôm Thái Lan cho biết, ngày nay, nông dân nuôi tôm ở Thái đều nắm rất chắc những kiến thức liên quan dịch bệnh. Việc quản lý tốt trại nuôi là minh chứng rõ nét cho thấy sự hiểu biết sâu và rộng về khoa học kỹ thuật của nông dân Thái.

Để có được thành công như hôm nay, nông dân Thái Lan đã mạnh dạn thay đổi quy trình nuôi. Trước tiên, họ kiểm soát chặt tỉ lệ thức ăn, vì việc tồn đọng thức ăn thừa trong ao nuôi sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập của vi khuẩn APHNS. Tiếp theo, người nuôi cũng tìm giải pháp tăng khả năng trao đổi nước và giảm mật độ thả nuôi. Chất lượng nước là yếu tố quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh. Và cuối cùng, họ xây dựng hệ thống chứa chất thải cho tôm. Đây là những hầm chứa chất thải được xây dựng giữa trung tâm ao nuôi để hút và xử lý rác thải ao nuôi. Dòng chảy của nước từ hệ thống trên sẽ giúp đào thải chất lắng cặn sang một loạt hồ chứa nước tái sử dụng. Một trong số những hồ này được tận dụng nuôi cá rô phi trước khi được sử dụng tái tuần hoàn tại các bể nuôi tôm.

Kết quả, nông dân đã loại bỏ sự tích tụ vi khuẩn gây bệnh EMS/APHNS và tăng tỷ lệ tôm sống lên 80 – 90%. Theo chuyên gia Kawahigashi, những trại nuôi tôm ông tới thăm đều thu hoạch tôm 30 – 35 gram (16 – 20 con/pound) sau 100 ngày nuôi. Hầu hết chủ trại đều vận hành pha nuôi con giống 20 – 25 ngày trước khi chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm. Nhờ đó, họ có thể thu hoạch tôm đạt trọng lượng trên 20 gram sau 100 ngày hoặc 16 – 18 gram sau 70 ngày nuôi.

Ngành tôm Thái Lan sẽ không bao giờ quay lại mốc 600.000 tấn, dù quản lý con giống hay ao nuôi tốt đến mấy. Nhưng điều đó không còn quan trọng, bởi cái đích ngành này đang hướng tới là đạt lợi nhuận cao trong bền vững.

>> Theo Hải quan Thái Lan, xuất khẩu tôm sú và tôm thẻ chân trắng tháng 8/2015 đạt 79,09 triệu baht và 1,46 tỷ baht. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu hai loại tôm trên lần lượt đạt 2.018 tấn, trị giá 724,61 triệu baht và 32.234 tấn, trị giá 10,399 tỷ baht.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *