TPP – Cơ hội không tự đến!

Mừng hay lo

Những người hoạt động trong ngành công nghiệp tôm của Mỹ đều chắc chắn ngành này sẽ chịu tổn thương khi Tổng thống Barack Obama ký kết Hiệp định TPP với 11 nước thành viên còn lại. Các quan chức Mỹ cho rằng, cho dù TPP giúp gỡ bỏ nhiều rào cản thuế quan, không có nghĩa là hàng nhập khẩu ồ ạt xâm chiếm thị trường này, nhất là với mặt hàng tôm. Nhưng người khai thác tôm tại Mỹ đang thực sự lo lắng rằng những điều khoản về an toàn thực phẩm của TPP sẽ là công cụ hữu hiệu ngăn chặn tôm nhập khẩu giá rẻ chứa các tồn dư kháng sinh cấm, nhưng cũng có thể là động lực để các hãng sản xuất tôm giá rẻ thận trọng hơn và nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm để dần tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Nhiều ngư dân khai thác tôm tại Mỹ đều khẳng định xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ TPP, do đó, chính quyền Mỹ càng phải bảo vệ ngành tôm nội địa trước nguy cơ bị đánh bật khỏi thị trường. Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn luôn tìm cách xoa dịu sự căng thẳng của dư luận bằng khẳng định chắc chắn TPP sẽ tăng cường áp dụng những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với các nước thành viên. Theo Matthew McAlvanah, phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ, TPP cũng gồm những điều khoản về khai hải quan và quy định xuất xứ cực kỳ chặt chẽ, do đó, Mỹ sẽ loại bỏ những lô hàng trái phép, gồm cả thủy sản và nhận dạng được các mối nguy hiểm tiềm tàng liên quan tới sức khỏe trước khi lô hàng đó cập bến.

tpp cơ hội không tự đến

Hội nghị cấp bộ trưởng về TPP tại Sydney, Australia  – Ảnh: Daphnejan

 

Xóa bỏ rào cản

TPP hứa hẹn mang lại những thay đổi lớn cho nền kinh tế nhiều quốc gia thành viên. TPP cũng là mong đợi của Canada – nước xuất khẩu một lượng lớn thủy sản sang Nhật Bản. Năm 2014, Nhật Bản nhập khẩu 108 triệu USD thủy sản của Canada, chủ yếu là trứng cá trích, cá than, tôm, nhím biển và cá hồi. Hiện, Nhật Bản đang áp thuế 3,5 – 11% với thủy sản của Canada, Việt Nam áp thuế 18 – 34%, New Zealand 5%. Ngoài xóa bỏ rào cản thuế quan, TPP còn xóa bỏ nhiều rào cản phi thuế quan. TPP cũng minh bạch hóa các điều khoản liên quan tới các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS), giúp các hãng cung cấp thủy sản Canada hiểu rõ hơn về SPS của các nước thành viên TPP. 

Ngành thủy sản New Zealand đặt cược nhiều hy vọng lớn vào TPP. Tim Pankhurst, Giám đốc hãng Seafood New Zealand cho biết, ngành thủy sản nước này sẽ thắng lớn tại thị trường Nhật Bản. 63% các mặt hàng sẽ được miễn thuế ngay sau khi TPP có hiệu lực, và con số này sẽ tăng lên 91% sau 5 năm và 100% sau 15 năm.

tpp

Tác động của TPP lên ngành thủy sản  của Nhật Bản dường như bị hạn chế dù dòng thuế nhập khẩu hơn 300 danh mục sản phẩm sẽ bị gỡ bỏ. Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản cho rằng Chính phủ cần phải có những biện pháp cần thiết để bảo vệ ngành thủy sản nội địa vì TPP có thể khiến giá thủy sản nội địa Nhật Bản bị suy giảm trong thời gian dài. Ngành nuôi trồng thủy sản tại Nhật Bản chắc chắn sẽ bị tổn thương trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác. Tảo biển vẫn duy trì mức thuế cũ, và gần như không chịu tác động nào khi tảo biển nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, hai nước không phải thành viên TPP tràn ngập thị trường Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cũng cảnh báo các mặt hàng cá ngừ và cá hồi sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Thuế nhập khẩu những mặt hàng này sẽ được gỡ bỏ ngay sau khi TPP có hiệu lực.

 

Trụ vững bằng chất lượng sản phẩm

Trong hội chợ VietFish vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam, nhiều nhà xuất khẩu tôm đều lo lắng trước hiện tượng giá tôm lao dốc và tác động của TPP lên ngành thủy sản nói chung. Những mối quan tâm hàng đầu đó là TPP sẽ buộc những người nuôi tôm phải từ bỏ kháng sinh và cam kết tuân theo những quy định xuất xứ cùng hệ thống tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, lao động, từ đó khiến chi phí sản xuất càng tăng cao.

Theo Reuters, tình trạng sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam vẫn tràn lan dù Chính phủ đã nỗ lực tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách thức nuôi mới không cần tới hóa chất, kháng sinh. Thực tế, các ao nuôi thủy sản, nhất là tôm rất dễ bị lây nhiễm dịch bệnh và người nông dân có thể mất trắng chỉ sau một đêm. Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Cafatex Corp cho biết, những rào cản kỹ thuật mà TPP đặt ra quá khắt khe. Nuôi tôm và thủy sản khác mà không dùng các loại kháng sinh hoặc bất cứ hóa chất nào thì tỷ lệ sống của vật nuôi rất mong manh. Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chia sẻ: nhờ TPP, các công ty xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ không có cơ hội để nhập khẩu tôm Ấn Độ để chế biến và tái xuất nữa. Việt Nam cũng phải nỗ lực phát triển tôm giống bố mẹ, vốn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, để sản phẩm tôm của Việt Nam hoàn toàn “thuần Việt”.

Có thể thấy, TPP và nhiều FTA khác mới chỉ mở được cửa trước của thị trường bằng cách gỡ bỏ các rào cản thuế quan. Nhưng muốn mở được cửa sau của thị trường – các rào cản kỹ thuật thì chính bản thân quốc gia đó, và các doanh nghiệp phải tự vượt qua bằng phương tiện vững chắc là sản phẩm chất lượng thỏa mãn tiêu chuẩn quốc tế.

>> – Nhật Bản xóa bỏ 66% dòng thuế nhập khẩu thủy hải sản, 34% dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ trong 15 năm tiếp theo.

– Việt Nam xóa bỏ 83% dòng thuế nhập khẩu, số còn lại sẽ được gỡ bỏ trong vòng 10 năm.

– Malaysia xóa bỏ tất cả dòng thuế nhập khẩu thủy hải sản ngay sau khi TPP có hiệu lực.

– TPP yêu cầu 12 nước thành viên phải đảm bảo quản lý thủy sản bền vững, thúc đẩy bảo tồn các loài cá biển quan trọng và nỗ lực đấu tranh chống lại khai thác thủy sản trái phép.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *