Xu hướng tiêu thụ tại một số thị trường chính

Nhu cầu cao

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới hàng năm tiếp tục tăng do dân số tăng và tiêu dùng bình quân đầu người cũng tăng. Tiêu dùng thủy sản theo đầu người đang tăng dần từ 18,5 kg/người (năm 2010) lên 19,7 kg/người (năm 2013), năm 2015 là 20,1 kg/người và ước tính năm 2016 là khoảng 20,8 kg/người.

Thị hiếu tiêu dùng thủy sản của thế giới hiện nay và thời gian tới sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao, có tính tiện dụng, tiện ích. Đặc biệt là các loại sản phẩm cao cấp tươi sống như tôm, cua, ghẹ, cá hồi, cá ngừ… sẽ được ưu tiên lựa chọn hơn so với các loại thủy sản đóng hộp do tâm lý e ngại chất bảo quản. Các sản phẩm thủy sản nuôi trồng chủ yếu được sử dụng dưới dạng chế biến đông lạnh. Thủy sản khô và các loại chả cá chủ yếu vẫn được các nước tại khu vực châu Á ưa chuộng.

xu hướng tiêu thụ thủy sản tại một số thị trường chính

Các sản phẩm thủy sản chất lượng cao sẽ được ưu tiên lựa chọn – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Một số thị trường xuất khẩu chính

Trung Quốc

Nhu cầu thủy sản của Trung Quốc tăng trong khi sản xuất trong nước vướng phải vấn đề môi trường, tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, trong đó có Việt Nam. Theo dự báo của FAO, năm 2016 Trung Quốc sẽ trở thành nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất toàn cầu. Trong thời gian qua, ngoài các mặt hàng truyền thống như tôm đông lạnh, tôm sú sống, các loại cá, mực, bạch tuộc… thì cá tra và cá basa của Việt Nam đang thu hút lượng khách hàng Trung Quốc tiêu thụ rất tốt. Đây cũng là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất của Việt Nam (chiếm 70%), trong đó riêng đối với tôm thẻ chân trắng, là thị trường nhập khẩu đứng thứ 4 (sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc). Đối với cá tra và cá basa, song song với cá tuyết, Trung Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hầu hết người tiêu dùng Trung Quốc chỉ biết đây là sản phẩm cá tra, cá basa nhập khẩu chứ không biết tới đó là sản phẩm có xuất xứ Việt Nam do hầu hết đóng bao bì tên công ty nhập khẩu Trung Quốc hoặc công ty phân phối của Trung Quốc.

 

Mỹ

Nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của Mỹ năm 2016 dự báo tiếp tục tăng do ngày càng có nhiều người tiêu dùng nước này nhận thấy việc ăn thủy sản có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là tôm. Tôm nước ấm, tôm hùm và tôm tẩm bột là ba dạng sản phẩm tôm được nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, xu hướng tiêu dùng sẽ nghiêng về ưu tiên các sản phẩm tôm có giá trị cao như tôm hùm, tôm cỡ to/trung bình, tôm sống, tôm tươi… Lượng nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ năm 2016 dự báo đạt 680 nghìn tấn, tăng 3,4% so năm 2015.

 

Hàn Quốc

Do nhu cầu tiêu dùng tăng và giá nhập khẩu giảm nên dự báo năm 2016 Hàn Quốc sẽ tăng nhập khẩu thủy sản, khoảng 7,3% so năm 2015. Tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Hàn Quốc khoảng 56,1 kg/người/năm. Người tiêu dùng Hàn Quốc đang có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thủy sản tiện dụng, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống công nghiệp và đề cao giá trị hưởng thụ. Các sản phẩm thủy sản tươi sống, đóng hộp được ưa chuộng và dự kiến sẽ tăng; tiếp theo đó là các sản phẩm được chế biến hấp, luộc, chiên, chần… Hiện nay, Việt Nam là nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường Hàn Quốc và đứng thứ hai về cung cấp mực, bạch tuộc (sau Trung Quốc). Hàn Quốc ưu tiên tiêu thụ và nhập khẩu tôm thẻ chân trắng (chiếm 80% tổng nhập khẩu tôm), còn lại là tôm sú và tôm biển.

 

Nhật Bản

Với Nhật Bản, thời gian qua nổi bật nhất là việc nhập khẩu sản phẩm cá đông lạnh nguyên con và cá sống. Các sản phẩm thủy sản thân mềm cũng được nhập khẩu nhiều hơn cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang tăng. Đối với tôm, Nhật Bản hiện nay đứng sau Trung Quốc về nhập khẩu tôm của Việt Nam. Các sản phẩm tôm được ưa chuộng tại thị trường này là tôm thẻ chân trắng (chiếm 55%), tiếp theo là tôm sú (chiếm 25%), còn lại là tôm biển. Dự báo năm 2016, nhu cầu tiêu thụ của Nhật Bản vẫn chưa hồi phục như thị trường Mỹ. Việc đồng Yên mất giá trong khi đồng USD tăng tại thị trường Mỹ đã tác động giảm giá tới cả phân khúc bán lẻ. Nhiều dịch vụ thực phẩm đã bỏ tôm ra khỏi thực đơn khi giá lên cao và hiện chưa đưa vào thực đơn như thời gian trước. Dự báo khối lượng nhập khẩu tôm của Nhật Bản năm 2016 có thể tăng nhẹ, nhưng vẫn thấp hơn trung bình các năm trước.

 

Đài Loan

Đài Loan có nhu cầu nhập khoảng 60 – 70 triệu USD mỗi năm hàng thủy sản. Chủng loại bao gồm hải sản đặc sản từ nguồn đánh bắt và thủy sản (tôm, cá) từ nguồn nuôi trồng. Đài Loan nhập nhiều nhất là nhóm cá đông lạnh, động vật giáp xác và nhuyễn thể. Việt Nam là nguồn cung cấp thủy sản quan trọng của Đài Loan, chiếm 7,36% tổng giá trị nhập khẩu, trong khi 10 nước ASEAN chỉ chiếm 23,34%. Đây cũng là thị trường tiềm năng có thể khai thác, song đòi hỏi chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Sản phẩm thủy, hải sản của Việt Nam cần giải quyết tốt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để khai thác thị trường Đài Loan.

 

Thái Lan

Xu hướng tiêu dùng của Thái Lan năm 2016 ưu tiên các sản phẩm tươi sống, chủ yếu là cá hồi, cá ngừ, mực, cá thu, cá trích, một số loại cá da trơn, tôm, cua biển, các loại thủy sản vỏ cứng (ốc, sò…); tuy nhiên, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của Thái Lan tương đối cao theo tiêu chuẩn của các cam kết quốc tế và khu vực cũng như quy định trong nội địa. Các sản phẩm thực phẩm cần được cấp chứng nhận của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Thái Lan khi nhập khẩu vào nước này.

>> Nhu cầu thủy sản tại nhiều thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng, do đó, việc tìm giải pháp xuất khẩu cho hàng thủy sản đòi hỏi hệ thống đồng bộ các giải pháp mang tính chiến lược từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *