7 thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam

Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều giảm so cùng kỳ. Ảnh: Shutterstock

Mỹ 

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 21% trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Lũy kế xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2023 vẫn giảm 20%, đạt 589 triệu USD do mức suy yếu trong các tháng đầu năm. Tuy nhiên, Mỹ là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương liên tục trong 4 tháng. Thị phần tôm tự nhiên, một sản phẩm từng được người tiêu dùng Mỹ rất ưa chuộng, đang bị thu hẹp dần trước tôm nhập khẩu giá rẻ hơn. Ngoài ra, lạm phát đang khiến người tiêu dùng Mỹ chuyển sang thực phẩm giá rẻ, do đó, lượng tôm tự nhiên phải đóng băng trong kho của nhiều nhà máy chế biến. 

Trung Quốc, Hồng Kông 

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông trong tháng 10/2023 đạt 63 triệu USD, giảm 2% so cùng kỳ. Trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận tăng trưởng dương trong 3 tháng liên tục từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại mức giảm trong tháng 9 và 10. Tuy vậy, Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường có mức sụt giảm 5%, tương ứng 517 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2023, mức thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính. Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của Trung Quốc và Hồng Kông không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Ecuador. Đại đa số người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng tôm tươi sống, tiếp đến là tôm đông lạnh nguyên con. Đối với tôm đông lạnh, sản phẩm phải đảm bảo tiêu chí dễ chế biến. Ngoài ra, tôm có sắc tố đậm hơn thường đắt hàng hơn. 

Nhật Bản 

Tính tới 15/10/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 388 triệu USD, giảm 28% so cùng kỳ năm 2022. Ba nhóm sản phẩm tôm chủ lực xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản gồm: tôm thẻ chân trắng (TTCT) chiếm 63,5%, tôm sú chiếm 17,9% và còn lại là những loại tôm khác chiếm 18,6%. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm khô sang Nhật tăng 3% trong 9 tháng đầu năm 2023. Thị trường Nhật Bản thường có giá bán tôm bình quân cao hơn các thị trường xuất khẩu tôm khác của Việt Nam. Thị trường này có mức độ cạnh tranh hạn chế và rào cản gia nhập cao do người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng cao như tôm sushi, tôm tẩm bột.

Hàn Quốc 

Mỗi năm, Hàn Quốc nhập khẩu trên 100.000 tấn tôm với giá trị từ 800 triệu USD – 1 tỷ USD. Trong đó, tôm Việt Nam luôn chiếm thị phần cao nhất trên 50%. Hàn Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu thụ tôm ổn định, cộng với lợi thế khoảng cách vận chuyển gần, lạm phát không căng thẳng như các nước phương Tây. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc những tháng đầu năm 2023 giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua hạn ngạch nhập khẩu tôm từ Việt Nam với giá 14 – 16% giá trị nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp Hàn Quốc đangxem xét mua tôm từ các quốc gia khác được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% và không bị áp hạn ngạch. Hàn Quốc ưa chuộng TTCT với tỷ trọng 9% tổng tiêu thụ tôm. 

Australia 

Lũy kế từ đầu năm 2023 đến ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt hơn 198 triệu USD, giảm 16% so cùng kỳ. Hiện tôm Việt Nam xuất khẩu sang Australia đang được hưởng ưu đãi thuế 0%. Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Australia, TTCT chiếm trên 90%, còn lại là tôm biển và tôm sú. Xuất khẩu TTCT sang Australia tăng mạnh trong khi tỷ trọng tôm biển, tôm sú có xu hướng giảm. Australia cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc và đẩy mạnh thu mua sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng. Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam giữ vững vị trí số 1 về nguồn cung tôm tại Australia với thị phần tăng 32 – 69% giai đoạn 2015 – 2022.

Anh 

Tính tới tháng 10/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh đạt 159 triệu USD, giảm 18% so cùng kỳ năm 2022. Đa phần người dân Vương quốc Anh đều ăn cá hoặc thủy sản ít nhất 1 lần/tuần và tôm là lựa chọn phổ biến, chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ thủy sản tại thị trường này. Trong đó, các sản phẩm tôm sú và TTCT đông lạnh được người tiêu dùng ưa chuộng nhiều hơn. Các sản phẩm chế biến từ tôm được bày bán rộng rãi nhưng không có tăng trưởng đáng kể. Đối với khu vực nhà hàng hay dịch vụ ăn uống, tôm cũng là nguyên liệu khá phổ biến với khoảng 61% các cơ sở kinh doanh. Tôm được sử dụng nhiều nhất trong các nhà hàng ăn nhanh (chiếm 48% tổng tiêu thụ khu vực nhà hàng); các nhà hàng (chiếm 21%) và quán rượu (12%).

Canada 

Hơn một thập kỷ qua, Canada luôn nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam. Xuất khẩu tôm sang thị trường này không tăng trưởng mạnh và liên tục nhưng tiềm năng do vị trí nằm sát nước Mỹ và người dân có mức sống cao. Canada chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu tươi/ sống/đông lạnh từ Việt Nam để chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó TTCT vượt tôm sú về tỷ trọng. Những năm gần đây, Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm (như tôm sú, TTCT) của các nước Đông Nam Á. Người tiêu dùng Canada ngày càng ưa chuộng sản phẩm thủy sản chế biến, nhất là tôm chế biến và tôm đông lạnh, do tính tiện dụng cao. Tuy nhiên, mặt hàng tôm còn vỏ ướp đá hoặc đông lạnh được chuộng hơn cả. Tôm đông lạnh nhập khẩu được người Canada ưa thích cả về hình thức lẫn kích cỡ. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm chất lượng tốt. 

Tuấn Minh (Tổng hợp)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *