3,5 tỷ USD, xuất khẩu tôm liệu có vượt?
Thuận lợi
Theo thống kê, hết tháng 7, xuất khẩu tôm đạt 2 tỷ USD; đây là dấu hiệu lạc quan của ngành tôm trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong đó, phải kể đến sự phục hồi của các thị trường quan trọng. Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ với hơn 527,7 triệu USD, tăng 109,2% so cùng kỳ năm 2013; quý 2/2014, EU đạt hơn 175,4 triệu USD, tăng 115,8%; 7 tháng đầu năm, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ là 3 thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng từ 100% đến gần 300% so cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng chiếm 59,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm, với hơn 1,1 tỷ USD, tôm sú đạt gần 660 triệu USD.
Dự kiến quý 3/2014, xuất khẩu tôm đạt khoảng 1,2 tỷ USD – Ảnh: An Đăng
Theo các nhà chuyên môn, sản xuất tôm tại Trung Quốc, Thái Lan phải mất thêm thời gian nữa mới phục hồi sau dịch bệnh EMS; thương hiệu tôm Ấn Độ hiện chưa cạnh tranh được với tôm Việt Nam. Dự báo từ nhiều cơ quan liên quan cho thấy, tình hình tăng trưởng xuất khẩu từ nay đến cuối năm chủ yếu phụ thuộc phía Việt Nam.
Tình trạng thiếu tôm nguyên liệu xuất khẩu xảy ra vài năm nay; tuy vậy, với việc khởi sắc về thị trường và giá cả đã hợp lý hơn, chắc chắn vấn đề này sẽ được cải thiện trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm. Áp lực tôm nguyên liệu lớn hơn, đòi hỏi việc kiểm tra kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu của doanh nghiệp phải khắt khe hơn, tránh những ảnh hưởng tiêu cực như tôm có tạp chất, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Doanh nghiệp phải bắt tay nông dân
Thống kê cho thấy hai quý đầu năm nay, sản lượng tôm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013, trong đó tôm thẻ chân trắng đã tăng 400%.
Nhiều ý kiến lo ngại sự phát triển quá nóng của tôm thẻ chân trắng ảnh hưởng đến cơ cấu ngành tôm Việt Nam, đặc biệt với tôm sú. Việc nuôi xen tôm thẻ và tôm sú tại ĐBSCL rất cần được kiểm soát để tránh dịch bệnh. Bên cạnh đó, các trang trại cũng đều cho rằng một khi đầu ra của con tôm đã khá ổn định trong mấy năm liên tục, các nhà máy chế biến xuất khẩu cần gần dân hơn nữa, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để người dân mạnh dạn đầu tư nuôi tôm nguyên liệu. Chất lượng tôm xuất khẩu sẽ ổn định hơn nhiều, khi vùng tôm nguyên liệu được xây dựng bền vững trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Điều đáng mừng hơn cả là việc các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU đã dần đánh giá đúng chất lượng và uy tín ngành tôm Việt Nam. Thị trường Mỹ từ nay đến cuối năm dự báo sẽ đặt ra một số thách thức về mặt chất lượng đối với các sản phẩm thủy sản nói chung và tôm nói riêng, nhưng trong một hội nghị gần đây, đại diện thương mại Mỹ cho rằng, việc áp dụng những hàng rào chất lượng khắt khe cho các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ được áp dụng chung cho mọi nhà xuất khẩu, không riêng gì Việt Nam. Với một lượng khách hàng khá ổn định tại Mỹ nhiều năm nay, chắc chắn tôm Việt Nam vẫn giữ được chỗ đứng.
Mặt khác, nếu vượt qua được những hàng rào chất lượng tại Mỹ thì càng chứng minh uy tín và thương hiệu sản phẩm đến từ Việt Nam, mà trong thực tế thì các sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó chủ lực là tôm, đã cơ bản thỏa mãn được các tiêu chí của những thị trường khắt khe như Nhật và EU.
Nhìn chung, các thị trường vẫn đặt niềm tin vào tôm Việt Nam sau khi ngành thủy sản thực hiện nhiều giải pháp mạnh nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu và xây dựng các quy trình nuôi trồng, chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế.
>> Dự kiến, quý 3/2014, xuất khẩu tôm sẽ đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm ngoái. Như vậy chỉ trong 3 quý, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3 tỷ USD. Nếu xuất khẩu tôm cuối năm nay lại thành công như năm ngoái thì việc đạt và vượt con số 3,5 tỷ USD của ngành tôm không phải bàn cãi. |
Bình luận gần đây