3 thị trường hấp dẫn và tiềm năng

Nhật Bản: Truyền thống với hải sản

Việc tiêu thụ hải sản, bao gồm cả tôm     từ lâu đã gắn liền với văn hóa Nhật Bản. Là một quốc đảo với cảnh quan đồi núi và không gian nông nghiệp hạn chế, người Nhật đã tìm đến biển như một nguồn cung cấp protein chính. Do đó, nhu cầu về hải sản ngày nay bắt nguồn từ nền văn hóa hải sản lâu đời. Một yếu tố có ảnh hưởng khác là dân số già của Nhật Bản. Người cao tuổi đã quen với việc ăn các sản phẩm từ tôm. Họ cũng coi trọng chất lượng và an toàn thực phẩm hơn giá cả. Và thật thú vị, truyền thống tiêu thụ hải sản mạnh mẽ này được truyền lại cho các thế hệ sau: Trẻ em Nhật Bản rất tôn trọng phong tục và truyền thống, do đó, rất có thể sẽ theo xu hướng này và đưa hải sản vào chế độ ăn hàng ngày khi lớn lên.

Nhìn chung, người tiêu dùng Nhật Bản sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm chất lượng và độ tươi ngon hàng đầu. Tuy nhiên, gần đây, một số nhóm người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ đang tìm kiếm các sản phẩm có giá thấp hơn và các mặt hàng tiện lợi hơn.

Tại Nhật Bản, tôm còn được gọi là “Ebi” (chủ yếu là TTCT Thái Bình Dương hoặc L. Vannamei), phần lớn được mua dưới dạng TTCT không đầu (HLSO). Tuy nhiên, nhu cầu đối với tôm nguyên con (HOSO) tăng cao trong các dịp lễ mừng năm mới và bữa tối truyền thống của gia đình tại nhà. Một trong những cách phổ biến nhất để tiêu thụ tôm là sushi và sashimi. Một cách phổ biến khác để ăn tôm là Nobashi Ebi: Tôm lột vỏ và nạo sợi (PD), cắt đuôi và kéo dài được sử dụng để làm tempura. Ngày nay, nhiều mặt hàng giá trị gia tăng khác xuất hiện trên thị trường, gồm các mặt hàng như: Bánh pizza tôm ăn liền, tôm viên hoặc súp làm từ tôm. Các loài khác như tôm sú (P. Monodon) cũng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là khi chúng trở nên hợp túi tiền hơn đối với người tiêu dùng bình dân.

Về nhập khẩu, Nhật Bản tạo cơ hội đặc biệt cho các nhà xuất khẩu tôm. Năm 2020, tổng nhập khẩu tôm giảm 5%, từ 209.793 tấn năm 2019 xuống còn 199.808 tấn. Điều này là do tác động của đại dịch COVID-19 ở cả thị trường nội địa và các nước cung cấp. Tuy nhiên, vào năm 2021, tình hình đã dần được cải thiện, với mức tăng 4,6% về khối lượng tính đến thời điểm hiện tại (61.165 tấn). Nhập khẩu tôm của Nhật Bản dự kiến ​​sẽ tăng do các trường hợp mắc COVID-19 giảm và việc tiêm phòng được đẩy mạnh.

 

Đài Loan: Kết hợp kinh doanh và giải trí

Giống như người Nhật, người Đài Loan cũng có niềm yêu thích lớn với hải sản, đặc biệt ưa thích các sản phẩm chất lượng cao. Khoảng những năm 1970, Đài Loan đã trở thành một nhà sản xuất tôm quan trọng, nhưng sản xuất quy mô lớn đã không duy trì được do một loạt các vấn đề về môi trường, cũng như ô nhiễm và bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, tôm vẫn giữ một vị trí đặc biệt đối với Đài Loan và trở thành một thị trường thú vị cho các nhà xuất khẩu. Ngày nay, mối quan hệ của họ với tôm còn mở rộng sang lĩnh vực câu cá giải trí: Mọi người thích tự đánh bắt tôm, nấu chín, thưởng thức cùng gia đình và bạn bè.

Mặc dù sản lượng tôm ngày nay vẫn còn tương đối, nhưng nó chủ yếu được tiêu thụ trong nước và vẫn còn khoảng cách giữa sản xuất và nhu cầu trong nước. Để đáp ứng nhu cầu về tôm, nhập khẩu đã gia tăng trong những năm gần đây, khiến Đài Loan trở thành một thị trường “ngách” đầy hứa hẹn ở châu Á.

Theo Yen-wei Tai, người đại diện cho một nhóm các nhà nhập khẩu từ Đài Loan: “Hầu hết người Đài Loan thích nấu ăn và tiêu thụ tôm HOSO. Đó là lý do tại sao tôm sú HOSO và TTCT HOSO nấu chín vẫn là mặt hàng chính. Tuy nhiên, thế hệ trẻ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những mặt hàng tiện lợi như tôm đã nấu chín và bóc vỏ”.

Trong năm 2020, Đài Loan nhập khẩu 40.081 tấn tôm, tăng 16% so lượng nhập khẩu của năm 2019, cho thấy tiềm năng nhập khẩu ngày càng tăng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Quý I/2021, lượng nhập khẩu của Đài Loan đã giảm 5%. Tuy nhiên, số liệu thống kê nhập khẩu tháng 4/2021 cho thấy, xu hướng tăng và khối lượng tăng đáng kể so cùng kỳ năm ngoái: Nhập khẩu đạt 2.855 tấn, tăng 76% so tháng 4/2020.

Hàn Quốc: Quy tắc chất lượng và tiện lợi

Tôm là một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực ở Hàn Quốc. Trên thực tế, tôm đông lạnh là sản phẩm thủy sản hàng đầu được Hàn Quốc nhập khẩu, tiếp theo là cá minh thái Alaska đông lạnh, cá hồi tươi và mực đông lạnh. Từ năm 2015 – 2019, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của nhập khẩu tôm và tôm đông lạnh là 7%. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng tăng lên do những hạn chế trong sản xuất trong nước và khu vực.

Hàn Quốc là một thị trường thú vị nhưng khó thâm nhập do một số yếu tố: Có sự liên hệ chặt chẽ giữa các nhà xuất nhập khẩu, có nghĩa là niềm tin là tiêu chí chính trong bất kỳ thương vụ kinh doanh nào ở Hàn Quốc. Hơn nữa, văn hóa kinh doanh của Hàn Quốc nổi tiếng là khó điều hướng, vì các đề xuất cá nhân, tài liệu tham khảo và độ tin cậy đều là những yếu tố quan trọng.

Năm 2020, Hàn Quốc nhập khẩu 76.845 tấn, giảm nhẹ so 77.472 tấn năm 2019. Sự sụt giảm có thể là do tác động của COVID-19, cũng như xuất khẩu từ các quốc gia cung cấp. Tuy nhiên, nhìn vào xu hướng kể từ năm 2016, nhập khẩu đang có xu hướng gia tăng.

Thương mại điện tử đang bùng nổ ở Hàn Quốc khi các nhà hàng và dịch vụ ăn uống theo kiểu tự chọn đã giảm đáng kể do đại dịch toàn cầu. Bữa ăn tiện lợi đang trở nên phổ biến khi ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm kiếm những cách dễ dàng để chế biến thức ăn tại nhà. Hiện, tất cả nhà hàng đều mở cửa để phục hồi nền kinh tế nhưng chỉ đến 10 giờ tối. Sau đó, chỉ có thể giao hàng. Vì chỉ có khoảng 10% dân số Hàn Quốc đã được tiêm phòng nên sự phục hồi kinh tế của đất nước này có thể không nhanh chóng như những nơi khác và điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu thủy sản, bao gồm cả tôm.

Phương Ngọc

Theo Seafood-tip

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *